Huấn luyện thâm nhập 'chảo lửa' chiến sự

Khánh Duy 21/06/2019 09:30

Cây viết của tờ Business Insider đã kể lại cảm nhận của bản thân sau khi hoàn thành khóa huấn luyện dành cho phóng viên chiến trường dài 3 ngày trước khi anh ta bị “ném” vào một trong những “chảo lửa” nóng nhất ở châu Phi.

Huấn luyện thâm nhập 'chảo lửa' chiến sự

Tình huống nguy hiểm tới mạng sống có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Nguồn: Getty).

Vào đầu tháng 11/2018, Harrison Jacobs, phóng viên của tạp chí Business Insider, đã chính thức hoàn thành một khóa huấn luyện kéo dài chỉ 3 ngày dành cho các nhà báo và nhân viên cứu hộ sắp được chuyển tới những quốc gia có tình hình an ninh cực kỳ bất ổn và những vùng chiến sự để thu thập tin tức.

Khóa huấn luyện này, Jacobs kể lại, dù không quá dài nhưng cũng đủ để anh học được “cả tá” những điều cần thiết giúp duy trì mạng sống của mình: Những tình cảnh đầy tuyệt vọng, nguy hiểm và làm cách nào để tránh chúng. Làm cách nào để né tránh nguy hiểm, ẩn nấp? Làm thế nào để sống sót trong cái nóng ghê gớm của châu Phi? Và quan trọng nhất là chiến thuật để sinh tồn mà ai cũng có thể áp dụng...

“Những kỹ năng học được trong tuần đầu tiên ở chiến trường mới thực sự biến bạn thành một phóng viên chiến trường đích thực, khóa huấn luyện kéo dài 3 ngày chỉ kịp dạy bạn kỹ năng đủ để sống sót qua tuần đầu tiên này” - Harrison Jacobs cho biết.

Diễn ra tại một nhà kho bí mật ở vùng ngoại ô của bang Maryland, khóa huấn luyện được tổ chức bởi Global Journalist Security (GJS) - một tổ chức được thành lập vào năm 2011 nhằm giúp đỡ giới phóng viên trang bị khả năng sống sót ở những khu vực bất ổn mà một người cần có “thể lực, trang bị kỹ thuật, tâm lý vững vàng và khả năng tự vệ” mới có thể tồn tại.

Tổ chức này được thành lập bởi Frank Smyth, một nhà báo kỳ cựu từng tác nghiệp ở các vùng chiến sự ở El Salvador, Colombia, Rwanda và Iraq - nơi ông từng bị bắt giữ làm tù nhân trong gần 3 tuần lễ hồi năm 1991.

Jacobs hoàn toàn không thể biết trước được điều gì chờ đón mình khi tác nghiệp ở vùng xung đột. Nhà báo trẻ này lúc bấy giờ sắp phải đến Ai Cập, Nigeria và Ethiopia trong những tháng sắp tới, và nhiều đồng nghiệp của anh từng nói rằng khóa huấn luyện này là quá trình chuẩn bị không thể thiếu phòng trường hợp tồi tệ nhất: Bị bắt cóc, bị tấn công khủng bố, bị bắn tỉa hay bị mắc kẹt trong vùng chiến sự...

Huấn luyện thâm nhập 'chảo lửa' chiến sự - 1

Quan trọng nhất với phóng viên chiến trường là họ phải nhận thức rõ rằng họ đang ở... chiến trường (Nguồn: Getty).

Vậy, khóa huấn luyện kéo dài 3 ngày ở vùng ngoại ô Maryland làm thế nào để giúp các nhà báo như Jacobs ứng phó với nghịch cảnh?

Theo lời Jacobs, khóa huấn luyện giúp những người như anh không bị sự sợ hãi làm “cứng người” hay hoảng loạn trong những tình cảnh ngặt nghèo nhất.

Huấn luyện viên trưởng Paul Burton và Shane Bell - một người là cựu sỹ quan thuộc Quân đội Anh, người còn lại là cựu đặc nhiệm tinh nhuệ Lực lượng vũ trang Australia - đều là những chuyên gia trong việc đặt người khác vào những tình huống đầy khủng hoảng. Cả hai vị cựu quân nhân này từng hộ tống các nhà báo, nhân viên cứu hộ tại những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh; họ từng bị bắt cóc, sau đó được trả tự do nhờ đàm phán. Họ hiểu rõ những điều mà mình đang nói - theo Jacobs.

Trong suốt khóa huấn luyện, Bell, Burton và những người thuộc đội ngũ GJS luôn đặt các phóng viên vào những tình huống giả định “rợn tóc gáy” để kích thích lượng adrenaline trong người họ.

“Bạn muốn dạy người khác kỹ năng lấy lại sự bình tĩnh, không bị chôn chân hay hoảng loạn” - nhà báo kỳ cựu Smyth nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Columbia Journalism Review năm 2013 - “Một số người sẽ quên hét lên “Này, cô ấy đang bị kéo đi - chúng tôi phải giúp cô ta!”. Đó là điều chúng ta cần phải nhớ, phải hành động”.

Jacobs được huấn luyện rằng phải cứu lấy nhân viên y tế đi cùng mình trong trường hợp người này hứng một vết thương chí mạng, mất nhiều máu. Anh cũng được dạy cho cách tìm chỗ ẩn nấp, lẩn trốn và thoát thân trong lúc bị mắc kẹt giữa các bên giao tranh.

“Chúng tôi được dạy cách trườn bò như loài rắn trên sa mạc nước Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi được chuyển tới một khu vực cánh đồng để học cách chạy, lần mò dấu vết trong lúc xung quanh là những mối hiểm nguy rình rập: Lựu đạn văng khắp nơi, đạn pháo kích nã xuống, mìn dưới chân, và các tay súng bắn tỉa...” - Jacobs nói.

“Phần nào đó trong tôi nghĩ rằng khóa huấn luyện thật kỳ lạ, phần khác lại cảm thấy thực sự sốc. Cuối cùng thì tôi mong sao mình sẽ không bao giờ phải vận dụng tới những kỹ năng này, bởi tôi từng bị “bắn” ngay trong tình huống giả định chạy giữa làn đạn đầu tiên trong khóa học” - Jacobs kể lại.

Tuy nhiên, sau đó Jacobs nhận ra rằng bài học quan trọng nhất mà anh học được từ những người có kỹ năng như Burton và Bell chính là thứ mà anh nghĩ là đơn giản nhất: Cách thở chiến thuật.

Các binh sỹ chiến đấu, sỹ quan cảnh sát và cả phóng viên chiến trường đều được huấn luyện cách thở chiến thuật một cách cực kỳ kỹ lưỡng. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy cách thở này thực sự có hiệu quả trong thực tế.

Ý tưởng đằng sau cách thở này rất đơn giản: Khi bạn lao vào những tình huống căng thẳng cao độ, hệ thần kinh cảm nhận của bạn sẽ khiến cho cơ thể bị quá tải. Adrenaline được giải phóng ra, cơ thể bạn bắt đầu run rẩy, tâm trí bạn phải “chạy đua” để giải quyết vấn đề.

Huấn luyện thâm nhập 'chảo lửa' chiến sự - 2

Phóng viên chiến trường phải trải qua khóa huấn luyện thực tế nghiêm ngặt trước khi tác nghiệp thực sự (Nguồn: Getty).

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở những vùng chiến sự. Ví dụ khi một người phải phát biểu trước đám đông, khi bạn đứng trên bục đài và cảm thấy hết sức lo lắng, khi bạn lo lắng trong lúc tham gia một kỳ thi...tất cả đều có thể kích hoạt tình trạng trên.

Điều mà Jacobs được Burton và Bell dạy là người ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được phản ứng này của cơ thể. Theo bản năng của con người, trong tình huống như vậy, não bộ thường đưa ra 3 lựa chọn: Chiến đấu, trốn chạy hoặc bị chôn chân một chỗ.

“Và nếu ngay cả việc phát biểu trước đám đông cũng khiến bạn chôn chân, thì sẽ ra sao nếu bạn bị đặt trong tình huống hiểm nghèo trong các vùng chiến sự, như đứng giữa làn đạn chẳng hạn” - Jacobs nói.

Theo Jacobs, thường thì trong tình trạng đó, con người ta không thể suy nghĩ một cách logic được, thậm chí không thể suy nghĩ nổi. Điều này không thể khiến người ta chết khi phát biểu trước đám đông, nhưng hoàn toàn có thể chết khi ở trong vùng chiến sự.

Theo Burton và Bell, cách thở chiến thuật có thể kìm hãm sự căng thẳng của cơ thể người bằng cách kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, làm chậm nhịp tim và giúp tâm trí thoải mái hơn để từ đó đưa ra quyết định chính xác.

“Cách vận dụng nó như thế này: Hít vào trong vòng 4 giây, giữ nguyên trong vòng 4 giây, và sau đó thở ra trong vòng 2 giây. Lặp lại điều này nếu cần thiết, cho đến khi nhịp tim của bạn chậm lại và tâm trí bình tĩnh hơn. Vâng, nó cũng giống như cách thở trong Yoga vậy” - Jacobs kể lại.

Trên chiến trường, phóng viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Một trong những điều nguy hiểm nhất đó là nếu sử dụng ống kính có tiêu cự lớn với ống kính dài - anh sẽ bị tưởng nhầm là đang cầm... súng chống tăng. Đây là lý do ngày nay, rất ít phóng viên chiến trường dám sử dụng đồ nghề chuyên dụng kích thước khủng vì sợ bị hiểu nhầm.

Trong quá khứ, Không quân Mỹ từng tấn công một nhóm phóng viên người Mỹ đang tác nghiệp tại Afghanistan chỉ vì tưởng lầm rằng họ đang cầm súng chống tăng khi quan sát từ trực thăng vũ trang. Đây là bài học xương máu cho mọi phóng viên chiến trường sau này.

Khánh Duy