Hiệp hội thuốc lá Việt Nam: 30 năm xây dựng và phát triển

PV 21/06/2019 18:25

Thành lập ngày 16/8/1989, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã thực sự trở thành cầu nối và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thuốc lá, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước.

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam: 30 năm xây dựng và phát triển

Thành lập Ngày 16 tháng 8 năm1989, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã thực sự trở thành cầu nối và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thuốc lá, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước. Đại hội lần thứ VII và lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội đã ghi nhận tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Hiệp hội và sự tin tưởng, trông đợi vào Ban chấp hành mới của Hiệp hội với nhiều kiến nghị từ các đơn vị hội viên.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trải qua 6 kỳ đại hội, từng bước ổn định, củng cố tổ chức, phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Số lượng hội viên Hiệp hội đã tăng lên nhanh chóng, từ 25 hội viên trong giai đoạn mới thành lập đã tăng lên 58 hội viên.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã từng bước đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, chuyển đổi nhanh chóng sang cơ giới hóa, tự động hóa, góp phần tăng chất lượng, sản lượng và hiệu quả SXKD của doanh nghiệp. Những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, chế tạo thiết bị trong nước đã giúp ngành thuốc lá Việt Nam phát triển nhiều giống cây trồng mới, đồng thời tự sản xuất, chế tạo nhiều máy móc thiết bị để thay thế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Hiện nay, ngành thuốc lá Việt Nam có đóng góp đáng kể trong thu ngân sách nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tham gia phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều cơ hội cho người nông dân ở các vùng trồng thuốc lá…

Trong 30 năm qua, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nộp ngân sách tăng trung bình là 11,3%/năm, đến năm 2018 con số nộp NSNN đã tăng lên 18.009,9 tỷ đồng. Nhiều hội viên đang là đơn vị dẫn đầu nộp ngân sách tại địa phương.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống thuốc lá nhập lậu. Toàn ngành đã nỗ lực chống thuốc lá lậu thông qua nhiều hình thức, trong đó việc quan trọng nhất là các hội viên đã nỗ lực phát triển các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm, xây dựng thành công hệ thống phân phối thống nhất qua nhiều cấp để chống thuốc lá nhập lậu thâm nhập. Thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tường Chính phủ, Hiệp hội đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông trong công tác tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Nâng cao nhận thức của người dân không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng tháp, Long An, Tây Ninh tổ chức 9 cuộc hội thảo về hệ lụy của việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu với trên 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều cư dân các vùng biên giới giáp ranh với Campuchia có nguy cơ tham gia vận chuyển thuốc lá lậu rất cao …

Thị phần thuốc lá lậu đã giảm từ 25% xuống khoảng 17,8%.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp hội đã tích cực thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội. Trong giai đoạn 2013-2018, Hiệp hội đã trao được 754 cănnhà tình nghĩa, tình thương;phụng dưỡng 238 bà mẹ Việt nam anh hùng và thương binh; hỗ trợ theo Chương trình Nghị quyết 30A của Chính phủ được 30,080 tỉ đồng. Tổng số tiền Hiệp hội đã hỗ trợ cho công tác xã hội là: 329,066 tỉ đồng.

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam: 30 năm xây dựng và phát triển - 1

BCH Hiệp hội Nhiệm kỳ VII ra mắt tại Đại hội.

Tại Đại hội Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam lần thứ VII tổ chức ngày 19/6, toàn thể hội viên đã nhất trí tuyệt đối bầu Ban Chấp hành và Lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ mới. Cũng tại sự kiện, với mục tiêu để ngành Thuốc lá Việt Nam hoạt động đúng các quy định của pháp luật, các hội viên đã đề xuất các cơ quan liên quan có thẩm quyền một số kiến nghị:

Cụ thể là: Sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013 /NĐ-CP cho phù hợp với hoạt động của ngành, theo đó, bỏ các quy định về quản lý năng lực máy móc thiết bị, vừa thực hiện mục tiêu kiểm soát việc tiêu thụ thuốc lá, vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; kiến nghị giao Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho Bộ Tài chính quản lý, điều phối theo chức năng nhiệm vụ và trích 50% Quỹ này để hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu; quan tâm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động mua bán nguyên liệu thuốc lá tại các địa phương có vùng trồng, tăng cường công tác hậu kiểm theo quy định.

Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai: kiến nghị chưa thực hiện thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp

Trên cơ sở về tình hình của ngành thuốc lá trong nước đưa ra nhận định, phân tích về hai phương án thuế TTĐB đối với thuốc lá theo đề xuất của Dự án Luật, như sau:

Phương án 1: Áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2020.

Phương án 2: Tăng thuế suất thuế theo lộ trình: Từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 01/01/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.

Kiến nghị:

Từ những phân tích trên, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai thông qua Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị với Bộ Tài Chính về dự luật tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá như sau:

- Chưa tăng thuế suất theo lộ trình từ ngày 01/01/2020,

- Chưa thực hiện quy định về thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp cho đến khi các biện pháp để ngăn chặn thuốc lá nhập lậu hữu hiệu.

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: giao Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho Bộ Tài chính quản lý, điều phối theo chức năng nhiệm vụ và trích 50% Quỹ này để hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu;

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba: xây dựng một Nghị định mới, thực chất, khả thi, có khả năng điều chỉnh hiệu quả, ổn định và lâu dài hoạt động kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam

Nghị định 67quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được ban hành ngày 27 tháng 06 năm 2013, có hiệu lực từ 15 tháng 8 năm 2013; được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP và Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Trong sáu năm qua, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung đã có đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc lá, đưa hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong ngành thuốc lá đi vào nề nếp hơn trước đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của môi trường đầu tư, kinh doanh, sự chuyển dịch trong sử dụng sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm thay thế sản phẩm thuốc lá, Nghị định 67 đã bộc lộ một số bất cập, đặt ra nhu cầu cần được sửa đổi, hoàn thiện.

Thứ nhất, Nghị định mới cần giữ nguyên quy địnhdoanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu đầu tư trồng cây thuốc látheo hình thức liên kết đầu tư là đủ điều kiện được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá như Nghị định 67.

Thứ hai, Nghị định mới cần bổ sung việc cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho nhóm Công ty mẹ - công ty con.

Thứ ba,Nghị định mới và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần xem xét bỏ cơ chế quản lý năng lực máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá.

Thứ tư,Nghị định mới nên điều chỉnh quy định “phải sử dụng” thành “khuyến khích sử dụng trên 50% nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các nhãn thuốc lá trong nước”.

Thứ năm, Nghị định mới cần quy định “thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đều bị tịch thu để tiêu hủy toàn bộ”.

Thứ sáu, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử nên được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật riêng thay vì quy định chung với thuốc lá truyền thống trong cùng Nghị định mới.

Tổng công ty Khánh việt: kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá

Tình trạng buôn lậu thuốc lá nói trên đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy như:

+Hàng năm, Nhà nước thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

+Chảy máu ngoại tệ;

+Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước bị sụt giảm hơn 20% sản lượng sản xuất tiêu thụ, làm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm và thu nhập;

+Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng (hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều lần, có chứa một số chất độc hại bị cấm sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm), gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những khó khăn, hạn chế và giải pháp, kiến nghị trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá:

Những khó khăn, hạn chế:

Thứ nhất, do hoạt động buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận vì không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào.

Thứ hai, thuốc lá là loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ vận chuyển trong khi đặc điểm địa lý của nước ta lại có đường biển, đường sông, biên giới đường bộ dài, tiếp giáp với nhiều nước nên rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa vào trong nước.

Thứ ba, đặc điểm dân cư các vùng biên giới thường có thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định, nên rất dễtham gia tiếp tay, vận chuyển thuê thuốc lá nhập lậu cho các đối tượng buôn lậu.

Thứ tư, thuốc lá lậu được bày bán công khai ở nhiều nơi trên hệ thống giống như hàng hóa hợp pháp, dễ tiêu thụ, thiếu chế tài răn đe nên càng thúc đẩy tình hình buôn lậu thuốc lá gia tăng.

Giải pháp: Thị trường theo quy luật cung – cầu . Khi có cầu ắt sẽ có cung.

Với đặc điểm: Lợi nhuận cao, gọn nhẹ dễ vận chuyển; Đường biên giới lại dài và phức tạp cùng với đặc điểm dân cư vùng biên giới như đã nêu ở phần trên nên nếu chúng ta chỉ tập trung chống buôn lậu ở vùng biên giới thì sẽ không đạt hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Theo số liệu thống kê Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam có được, lượng thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam khoảng 700 triệu bao, chiếm khoảng 18% thị phần sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước. Trong khi đó trong 6 năm từ 2013 – 2018, các ngành chức năng đã bắt gần 84.000 vụ, với hơn 52 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loai, chỉ bằng khoảng 1% tổng số thuốc lá nhập lậu.

Nguyên nhân lớn nhất đó là thuốc lá nhập lậu được bày bán công khai trên hệ thống giống như hàng hóa hợp pháp. Với ưu thế thuận lợi của thuốc lá nhập lậu so với thuốc lá sản xuất trong nước, đó là:

- Giá bán rẻ hơn.

- Lợi nhuận của các kênh trong hệ thống phân phối cao hơn.

- Không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; Có diện tích bao bì in nhãn hiệu lớn hơn nên sản phẩm bắt mắt hơn.

- Có chất kích thích gây nghiện.

Các thuận lợi trên đã tạo ra nhu cầu trên thị trường, đẩy công tác chống buôn lậu ở các vùng biên giới đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy giải pháp cơ bản của công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá là phải đồng bộ, bao gồm cả chống nguồn cung từ buôn lậu ở các vùng biên giới và chống nguồn cầu từ việc bày bán công khai thuốc lá nhập lậu trên thị trường để người tiêu dùng muốn mua cũng gặp khó khăn, từ đó phải từ bỏ tiêu dùng thuốc lá nhập lậu.

Kiến nghị:

Thứ nhất, hiện nay thuốc lá lậu đang được bày bán công khai từ các chợ đầu mối đến các tủ bán lẻ; người tiêu dùng dễ dàng mua được thuốc lá lậu ở tất cả mọi nơi, trong khi công tác tuyên truyền về những hệ lụy của vấn nạn buôn lậu thuốc lá lại còn rất nhiều hạn chế, không được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Mục tiêu cơ bản và then chốt là phải hạn chế tối đa, không cho thuốc lá lậu dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng. Vì vậy Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu; Đặc biệt thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra việc bày, bán thuốc lá nhập lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như tăng cường việc tuyên truyền để nâng cao tính răn đe.

Thứ hai, tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội bài trừ thuốc lá nhập lậu.Các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương cần nêu gương,yêu cầu cán bộ, Đảng viên, người lao động làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước và doanh nghiệp không được hút thuốc lá nhập lậu.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá theo hướng quy định Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng (công an, biên phòng, hải quan và QLTT) trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.

PV