Sông băng ở Chile tan chảy đe dọa đa dạng sinh học biển
Những dòng sông băng tại vùng Patagonia ở Chile tan chảy do biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học, số lượng và chất lượng các loài sinh vật biển.
Ngày 22/6, các nhà khoa học Chile cảnh báo những dòng sông băng tại vùng Patagonia ở Chile tan chảy do biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học, số lượng và chất lượng các loài sinh vật biển ở cột nước và vùng nước khu vực lân cận.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, nhóm chuyên gia hải dương học thuộc Đại học Austral Chile (UACh) đã tiến hành đo nhiệt độ, độ mặn, đục và nồng độ chất diệp lục trong nước, mẫu động vật ở độ sâu khác nhau để đánh giá hệ sinh thái biển khi băng tan chảy.
Kết quả khảo sát tại vịnh hẹp Pia trên kênh Beagle cho thấy những dòng sông băng ở đây trực tiếp đổ ra biển, tập trung lượng lớn các loại tảo và thu hút nhiều động vật giáp xác, chủ yếu là sinh vật phù du nhỏ. Tuy nhiên, vịnh Pia có môi trường sống khắc nghiệt và dễ khiến sinh vật chết với tỷ lệ cao.
Tiến sỹ Ricardo Giesecke, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nguyên nhân chính khiến động vật biển ở khu vực trên chết nhiều là do lượng lớn chất vô cơ được giải phóng từ cột nước sông băng tan chảy.
Trong các loài sinh vật biển, những con lớn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt thức ăn, gây ra tình trạng rối loạn dinh dưỡng và chết.
Trong khi đó, sông băng tại vịnh hẹp Yendegaia ở vùng Magallanes với mặt trước dài 14km nằm ở thượng nguồn, có hệ sinh vật biển nghèo nàn.
Nghiên cứu tại vịnh hẹp Pia và Yendegaia nằm cách nhau gần 65km cho thấy biến đổi khí hậu khiến sông băng tan chảy, tác động trực tiếp từ cả việc hấp thu khí C02 trong khí quyển đến nguồn thức ăn của các sinh vật biển, đặc biệt đối với động vật phù du.