Nam Định: Bàn việc xử lý các tình huống phát sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia
Khi thí sinh mang các thiết bị có nhiều nghi vấn vào phòng thi; thí sinh vắng mặt...thì phải xử lý ra sao, quy trình thế nào hay cán bộ làm công tác thi trực đêm có được dùng điện thoại hay không cùng nhiều việc cụ thể khác được hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định đưa ra bàn thảo, thống nhất cách xử lý vào sáng ngày 23/6, tại hội nghị triển khai công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 trên địa bàn...
Nhiều tình huống cụ thể có thể phát sinh trong kỳ thi được hội nghị đưa ra thảo luận, thống nhất cách xử lý.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo 3 trường đại học (Kinh tế quốc dân Hà Nội, Sư phạm nghệ thuật Trung ương; Điều dưỡng Nam Định) phối hợp với tỉnh Nam Định tổ chức kỳ thi trên địa bàn và toàn bộ trưởng,phó 33 điểm thi trên địa bàn...
Tại hội nghị, đại diện Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Nam Định đã phổ biến đồng thời yêu cầu các cán bộ làm công tác tổ chức thi phải nắm vững nội dung các văn bản có tính pháp lý về kỳ thi năm nay, bao gồm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, của Sở GD-ĐT Nam Định; triển khai đúng, đầy đủ các bước, quy trình thi, từ khâu đầu tiên cho đến khâu tổng kết.
Tại hội nghị, nhiều cán bộ làm công tác thi, bao gồm các cán bộ đến từ các trường đại học và cán bộ ở địa phương đã nêu ra nhiều tình huống cụ thể, đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định giải thích, hướng dẫn, thống nhất cách xử lý.
Trong đó, một số cán bộ đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cùng nêu thắc mắc, đó là ngoài thời gian làm nhiệm vụ thi ban ngày, khi trực đêm tại phòng bảo quản đề đi, bài thi cán bộ coi thi có được sử dụng điện thoại hay không? Trong trường hợp thí sinh bỏ thi có nhất thiết phải ghi tên, số báo danh vào giấy thi của thí sinh đồng thời cán bộ coi thi phải ký tên theo hướng dẫn riêng của Sở hay không? vv...
Giải đáp thắc mắc, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định khẳng định, trong thời gian làm công tác thi ban ngày cán bộ không được dùng điện thoại tuy nhiên khi trực đêm tại phòng bảo quản đề, bài thi cán bộ vẫn được sử dụng bình thường.
Liên quan đến quy định trường hợp thí sinh bỏ thi phải ghi tên, số báo danh vào giấy thi của thí sinh đồng thời cán bộ coi thi phải ký tên theo hướng dẫn riêng của Sở, sau “hội ý tại chỗ” với các lãnh đạo Sở khác, ông Nguyễn Xuân Hồng thông báo thống nhất bỏ quy định riêng này, thay vào đó sẽ áp dụng xử lý theo quy định chung.
Cán bộ làm công tác thi nêu ra nhiều tình huống cụ thể phát sinh trong kỳ thi.
Tại hội nghị, việc xử lý tình huống thí sinh mang các thiết bị có biểu hiện nghi ngờ phục vụ việc gian lận trong thi cử cũng được nêu ra để thống nhất cách xử lý. “Bây giờ có rất nhiều thiết bị điện tử tinh vi, có thiết bị được làm giống đúng như chiếc thẻ ATM chúng ta khó có thể phát hiện, phân biệt được”, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Hồng nêu vấn đề. Từ đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định hướng dẫn các cán bộ coi thi khi gặp tình huống này cần thực hiện việc thu lại đồng thời giải thích rõ cho thí sinh biết việc thu lại nhằm phục vụ công tác giám định, nếu không có vấn đề gì thì sau đó sẽ trả lại cho thí sinh...
Những tình huống như một phòng thi có hai mã đề thi trùng nhau; tụ tập đông người ở những điểm thi tiếp giáp với khu dân cư...cũng được hội nghị nêu ra, thống nhất cách giải quyết.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định khẳng định đến thời điểm này tỉnh Nam Định đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh: “Chỉ trừ động đất, còn dù có bão gió thì chúng tôi đảm bảo kỳ thi vẫn được diễn ra bình thường”, ông Cao Xuân Hùng nói.
Liên quan đến việc xử lý các tình huống phát sinh trong kỳ thi, ông Cao Xuân Hùng lưu ý: “Việc xử lý các tình huống phát sinh phải có sự thống nhất theo quy định; đối với các tình huống không có trong quy định cán bộ coi thi không được tự ý sáng tạo hay xử lý theo cảm hứng mà phải xin ý kiến”, ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, tổ chức kỳ thi nghiêm túc không có nghĩa là gây căng thẳng cho thí sinh. “Cán bộ làm công tác thi phải ôn tồn, tận tình hướng dẫn các em thực hiện đúng quy chế. Giống như cảnh sát giao thông, thay bằng việc đứng ở cuối con đường một chiều chờ người ta đi vào rồi xử phạt thì phải đứng ở đầu đường, thấy ai đang bỡ ngỡ, định đi vào thì hướng dẫn người ta đi đường khác”, ông Cao Xuân Hùng liên hệ.
Thông tin tại hội nghị cho biết, kỳ thi năm nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 18.355 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã bố trí 33 điểm thi ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh với tổng cộng 780 phòng thi. Tham gia phối hợp cùng tỉnh tổ chức kỳ thi có 648 cán bộ của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; 180 cán bộ của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương; 121 cán bộ của trường Đại học Điều dưỡng Nam Định...