Làng chiếu cói Thạch Tân bao giờ trở lại… ngày xưa

Thiên Nhơn 24/06/2019 08:00

Hơn 500 năm hình thành và phát triển, làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) gắn liền với nghề dệt chiếu cói. Nhưng điều đáng lo là hiện nay do nguồn thu của nghề không đủ để nuôi sống người làm và giữ nghề, nên làng nghề ngày càng mai một.

Làng chiếu cói Thạch Tân bao giờ trở lại… ngày xưa

Cần mẫn với nghề.

Làng Thạch Tân, một địa chỉ Đỏ trên bản đồ Quảng Nam về truyền thống đấu tranh và nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm chống Mỹ. Cả làng đến nay mới có 262 hộ dân nhưng có đến 59 Mẹ Việt Nam anh hùng, 203 liệt sỹ và nhiều gia đình có công cách mạng. Địa đạo Kỳ Anh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997 là một minh chứng hào hùng cho sự đấu tranh anh dũng của người dân nơi đây.

Làng thuần nông gắn với nghề dệt chiếu cói truyền thống hàng trăm năm trước. Nhà nhà dệt chiếu, người người dệt chiếu. Làng đã dành ra hơn 20 ha đất nông nghiệp ven sông để trồng cói. Chiếu cói Thạch Tân không những nổi tiếng khắp miền Trung mà còn được thương lái thu mua gửi bán nhiều nơi trong cả nước. Nghề dệt chiếu cói đã nuôi sống biết bao thế hệ nhân dân trong làng, góp phần to lớn trong việc nuôi giấu cán bộ, đảng viên hoạt động cách mạng dưới lòng địa đạo.

Theo sự phát triển chung của nền kinh tế, mọi mặt đời sống nhân dân được nâng lên, quá trình đô thị hóa thu hút hầu hết nguồn lao động trẻ trung của làng về các khu công nghiệp. Một mặt thu nhập từ nghề dệt chiếu cói không đủ cho cuộc sống ngày một đi lên, lớp trẻ bỏ nghề, người dân không còn chú tâm nhiều đến trồng cói, dệt chiếu như những năm về trước. Cả làng giờ chỉ còn lại gần 80 hộ duy trì được nghề truyền thống, với hơn 5 ha đất ít ỏi trồng cói còn lại được phó mặc cho Trời, sợi cói cằn cỗi...

Bà Huỳnh Thị Mai, người có gần 50 năm tuổi nghề vừa đun bếp nhuộm màu cho sợi cói vừa tâm sự: “Nghề này khổ lắm, 2 người quần quật một ngày mới dệt được hai đôi chiếu, trừ chi phí xong còn lại mỗi người 50 nghìn đồng. Do tuổi lớn, không đi làm nghề khác được nên phải dệt chiếu để có thêm thu nhập”.

Đi thăm một vòng quanh địa đạo Kỳ Anh và đình Thạch Tân cùng ông Huỳnh Kim Ta- vừa là trưởng thôn vừa là người duy nhất trông coi đền và hướng dẫn du khách thăm quan địa đạo. Ông Ta trăn trở: “Tôi đảm nhiệm công tác trưởng thôn từ năm 2007 đến nay, chứng kiến nghề dệt chiếu cói truyền thống của làng ngày một thu hẹp dần. Nhiều lần họp ở xã, ở thành phố tôi đều nêu nguyện vọng của bà con, mong các ngành các cấp có giải pháp để duy trì và phát triển nghề truyền thống, giúp bà con giữ nghề, sống được với nghề và gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.

Dọc con đường bê tông vào làng, vẫn còn đó những vạt cói phơi khô nằm thẳng tắp. Khói bếp nghi ngút bay từ nồi thuốc nhuộm màu xanh. Bên khung dệt gần cây thị cổ đình Thạch Tân, đôi tay của người thợ dệt chiếu cói vẫn còn thoăn thoắt, uyển chuyển. Nét nghệ thuật của nghề thủ công truyền thống vẫn còn đọng lại trên từng đôi chiếu dệt vừa xong. Phải chăng nốt trầm nghề dệt chiếu cói truyền thống làng Thạch Tân đang chờ ngày được thăng hoa như vốn xưa của nó?

Thiên Nhơn