Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm

H.Vũ 24/06/2019 08:00

Đó là cụm từ xuyên suốt được ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề cập đến nhiều lần trong bài viết về truyền thông xã hội. Vấn đề sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm đã nhiều lần được nhắc đến, song ngoài ý thức có trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí chính thống.

Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm

Ảnh minh họa.

Tin giả gây hậu quả thật

“Cuối năm 2018, khởi lên từ đoạn video của một nghệ sĩ Accordion thể hiện sự bất mãn về chính sách thuế được đưa lên mạng xã hội, những cuộc biểu tình mang tên “Phong trào áo vàng” đã gây khủng hoảng triền miên trong suốt thời gian qua ở Pháp. Phong trào lan nhanh bởi những lời kêu gọi phát tán trên mạng xã hội đã thổi bùng cơn giận dữ, trở thành bạo loạn, vượt xa mục tiêu ban đầu là kích động biểu tình để phản đối chính sách.

Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh.

Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những đám đông kích động, đó là: Châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài”-ông Võ Văn Thưởng mở đầu bài viết của mình để nói lên truyền thông xã hội đã bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.

Mối liên kết “trong”, “ngoài” được người đứng đầu ngành Tuyên giáo nhắc đến đã thực sự đi vào đời sống xã hội, “ảo” nhưng gây hậu quả “thật” của một sự chuyển dịch vĩ đại khi toàn bộ thế giới thực đã được thể hiện vào thế giới ảo. Có điều thế giới thực có hệ thống luật pháp để xử lý, còn thế giới ảo lại chưa có được đầy đủ hành lang pháp lý. Nhưng không phải việc “thông tin giả, gây hậu quả thật” đến nay mới bùng phát. Trước đây đã có hàng loạt các trang web giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ trưởng, trưởng ngành được các đối tượng thù địch lập lên để đưa các thông tin không chính xác nhằm bôi nhọ, nói xấu các vị lãnh đạo, gây chia rẽ trong nhân dân. Chưa kể, lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn đề tiêu cực tham nhũng nảy sinh ở một vài lĩnh vực, địa phương, nhiều đối tượng thù địch đã thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức để chống phá Đảng, tạo ra sự bất đồng xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm trong quản lý nhà nước để lôi kéo, kích động biểu tình trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong vụ Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay Luật An ninh mạng, và gần đây nhất là kêu gọi biểu tình khi điện tăng giá.

Phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Trước bối cảnh mạng xã hội “ảo” gây hậu quả “thật”, nhiều vấn đề đã được đặt ra để xử lý, đó là tăng nặng hình thức xử phạt. Như tại Đức đã thông qua Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG), theo đó, những dịch vụ mạng xã hội nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt nặng có thể lên tới 50 triệu Euro. Còn tại Úc sẽ phạt các công ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội, có thể phạt tới 10% tổng thu nhập hàng năm, thậm chí phạt tù lên tới 3 năm đối với người điều hành nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu. Và tại Việt Nam, Luật An ninh mạng được ra đời (có hiệu lực từ 1/1/2019), đã có những chế tài mạnh mẽ như quy định 6 nhóm hành vi bị cấm, trong đó có việc cấm sử dụng không gian mạng để kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Mà theo đó, các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Nhưng xét ở khía cạnh, góc độ nào đó việc tăng nặng hình thức xử phạt thông qua dựng lên “các hàng rào” cũng đem lại một hiệu quả nhất định. Nhưng căn nguyên mà nói thông tin giả của mạng xã hội “có đất sống” là do báo chí chính thống chưa phát huy được sức mạnh của mình, vẫn còn bị mạng xã hội dẫn dắt, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách. Chính vì lẽ đó, ông Võ Văn Thưởng cũng đã nhấn mạnh rất cần phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực.

Khi đến chúc mừng Báo Đại Đoàn Kết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện mạng xã hội có rất nhiều tin giả, xấu độc. Do vậy lực lượng làm sạch không gian mạng nòng cốt phải là báo chí. Nếu như không có lực lượng nòng cốt thì không gian mạng sẽ vô cùng ô nhiễm như thế giới thực, mà ô nhiễm đó là ô nhiễm não vì trên không gian mạng “thở” bằng thông tin và thông tin tác động vào não. Vì thế giới đang có sự chuyển dịch vĩ đại từ thế giới thực sang thế giới ảo, và người làm cho nó sạch, lành mạnh chính là báo chí.

Thế nhưng để báo chí chính thống phát triển mạnh mẽ, đẩy lùi những luồng thông tin xấu độc không chỉ đến từ các cơ quan báo chí mà còn cần đến “bàn tay Nhà nước”. Thay vì chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhiều cơ quan lại chọn hình thức “né”, chưa thực hiện đúng quy định theo Luật Tiếp cận thông tin. Thông tin chính thức được cơ quan nhà nước cung cấp cho báo chí bị hạn chế, có phần chậm trễ càng làm cho thông tin trên mạng xã hội lấn át. Chính sự thiếu minh bạch trong điều hành, quản lý nhưng lại chậm trễ trong cung cấp thông tin cho báo chí chính thống chính là “mảnh đất màu mỡ” cho thông tin trên mạng xã hội phát triển. Vì thế sự chủ động cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan nhà nước sẽ giúp mọi hoạt động của Nhà nước được công khai, minh bạch góp phần ngăn chặn những thông tin xấu độc.

* Khi đến chúc mừng Báo Đại Đoàn Kết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện mạng xã hội có rất nhiều tin giả, xấu độc. Do vậy lực lượng làm sạch không gian mạng nòng cốt phải là báo chí. Nếu như không có lực lượng nòng cốt thì không gian mạng sẽ vô cùng ô nhiễm như thế giới thực, mà ô nhiễm đó là ô nhiễm não vì trên không gian mạng “thở” bằng thông tin và thông tin tác động vào não. Vì thế giới đang có sự chuyển dịch vĩ đại từ thế giới thực sang thế giới ảo, và người làm cho nó sạch, lành mạnh chính là báo chí.

H.Vũ