Điện ảnh Việt và những 'cú hích'
Trong khi người ta đưa ra những con số đầy nhức nhối về doanh thu phòng vé để nói về phim do Nhà nước đầu tư không thu hồi được vốn, không hấp dẫn người xem - thì thời gian qua các dự án phim tư nhân đã và đang tạo nên những kỷ lục doanh thu phòng vé.
Cảnh trong phim “Hai Phượng”.
Ngày càng thu hút được khán giả
Theo đó, “cú hích” mới nhất minh chứng cho sự đột phá của điện ảnh Việt Nam là bộ phim “Hai Phượng”. Chỉ sau 2 tuần công chiếu, bộ phim “Hai Phượng” đã đạt doanh thu 135 tỷ đồng. Không những vậy, bộ phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt còn đem về 600.000 USD sau hơn 2 tuần công chiếu tại thị trường Mỹ. Hay trước đó, 2 bộ phim “Trạng Quỳnh” và “Cua lại vợ bầu” ra mắt vào dịp Tết đã có những bứt phá về doanh thu khi lọt vào “câu lạc bộ 100 tỷ” về doanh thu. Đáng nói là bộ phim “Cua lại vợ bầu” đã có màn chào năm 2019 với phá vỡ kỷ lục của phim “Em chưa 18” với 190 tỷ đồng doanh thu.
Không những vậy, điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua còn ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng phim sản xuất trong nước. Cụ thể, năm 2015 có 40 phim (6 phim Nhà nước, 34 phim tư nhân); năm 2015 có 35 phim nhưng hoàn toàn là phim tư nhân, không có phim Nhà nước; năm 2017 có gần 40 phim (không có phim Nhà nước); năm 2018 có 41 phim (có một phim của Ðiện ảnh Quân đội, còn lại là phim tư nhân); năm 2019 dự kiến có khoảng 60 đến 70 phim. Nhìn vào những con số trên có thể thấy, điện ảnh Việt Nam đã bước sang một trang mới khi đặt sự quan tâm của công chúng lên hàng đầu.
Nhìn nhận về sự đột phá này, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn thừa nhận thời gian qua đã diễn ra “cuộc chiến” khốc liệt giữa phim Việt Nam với các phim “bom tấn” của Mỹ, Hàn Quốc sản xuất... Thế nhưng điều đáng mừng là phim Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng thu hút được khán giả đến rạp. Ðiều đáng mừng nữa, là dòng phim hài nhảm, rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã không còn đất dụng võ như trước. Dòng chảy của điện ảnh thị trường đang chứng minh những bộ phim ăn khách đều được làm bài bản, chất lượng với tính chuyên nghiệp cao trên mọi phương diện, từ cách kể chuyện đến xử lý hình ảnh, âm thanh, trang phục, bối cảnh… Rất nhiều hãng phim, nhà sản xuất cùng êkíp làm phim đã hướng tới nghệ thuật và cái đẹp trong tâm hồn Việt.
Bên cạnh sự chỉn chu trong các tác phẩm điện ảnh, sự tăng trưởng đề tạo nên những “cú hích” cho điện ảnh cũng một phần bởi sự hỗ trợ nhiều từ nước ngoài. Không thể phủ nhận việc có được doanh thu “khủng” bởi hệ thống cơ sở hạ tầng các đơn vị chiếu phim tại Việt Nam trong thời gian qua đã được nâng cấp ngày một hiện đại, thậm chí đạt chuẩn quốc tế thông qua “bàn tay” của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính nhờ sự hỗ trợ đắc lực này mà phim Việt từ nguy cơ làm xong phải xếp kho đến những kỷ lục về doanh thu liên tục bị phá vỡ đã tạo nên một thị trường điện ảnh có sự tăng trưởng ngoạn mục. Người xem quay trở lại các rạp chiếu phim một phần là bởi các địa điểm được đầu tư hiện đại, tiện nghi, văn minh, lịch sự. Những người đi xem phim hiện nay không chỉ bởi sự thay đổi, sự hấp dẫn của không gian thụ hưởng các sản phẩm điện ảnh mà trược hết bởi sự cuốn hút của bản thân bộ phim và những người làm phim.
GS.TS Trần Thanh Hiệp nhìn nhận: Có thể thấy có sự thay đổi trong những bộ phim mang mác phim Việt và những người làm phim Việt. Nhìn vào thị trường điện ảnh Việt Nam ta thấy tình hình có những nét khác biệt. Màn ảnh mang tính quốc tế rộng rãi hơn, cởi mở hơn, thông thoáng hơn. Từ thụ động đến chủ động, từ sản xuất phát triển phim truyện chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí nhà nước đến sản xuất, phát triển phim truyện dựa vào kinh phí xã hội hóa, kinh phí tư nhân, dựa vào tấm vé và sự ủng hộ của người xem. Từ cách làm phim ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống mang nặng tính giáo huấn và do điều kiện lịch sử cụ thể mang nặng tính tuyên truyền, khuôn mẫu, tới làm phim biết lắng nghe nhu cầu của người xem. Quả thật, điện ảnh trong thời gian qua đã có những thay đổi lớn. “Mặc dù sự thay đổi tốt đến đến đâu, thành công đến đâu hay thậm chí còn dở, còn bất cập điều gì chắc chắn còn phải bàn. Nhưng sự thay đổi này chứng minh rằng điện ảnh Việt Nam đã có sự chuyền mình cần thiết trong một xã hội luôn vận động và phát triển trong một thế giới đầy đổi thay”- GS.TS Trần Thanh Hiệp bày tỏ.
Phim Việt đang đứng “bên lề”
Tuy nhiên, nhìn vào sự thành công không hẳn điện ảnh Việt đang đứng trên đỉnh vinh quang. Bởi nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh nhìn nhận, bên cạnh sự thành công thời gian qua nhiều phim Việt Nam đang đứng ngoài những vấn đề căn cốt của dân tộc, bên lề công cuộc đổi mới, không có sự gắn kết sâu sắc với con người, văn hóa, hiện thực đầy sôi động, đầy biến đổi, nhức nhối, nhiều thách thức và lo toan của người Việt Nam. Thậm chí, ngay cả những bộ phim có doanh thu cao ở các phòng vé, không phải phim nào cũng gắn kết sâu sắc với văn hóa Việt. Bởi thực tế các phim thành công về doanh thu phòng vé có khuynh hướng chủ đạo là giải trí. Câu chuyện nhẹ nhàng, phá cách, tình tiết éo le, hiện thực nhiều khi như mơ, diễn viên đẹp, đạo diễn có thương hiệu…
Bên cạnh đó, khá nhiều bộ phim nhưng vẫn còn quá ít “chất” cho các bạn trẻ, cho tâm hồn Việt và vẻ đẹp cuộc sống bởi cái đích mà một nền điện ảnh chân chính cần hướng đến chính là bồi đắp tâm hồn con người hướng tới chân, thiện, mỹ. Ở khía cạnh này, rõ ràng chúng ta chưa hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó. Ðiện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cam go, còn nhiều việc cần phải làm trên con đường hội nhập và phát triển.
Có thể thấy, trong cơ chế đổi mới, xóa bỏ bao cấp, sự tồn tại hay không tồn tại của nền điện ảnh Việt Nam là do thị trường điện ảnh quyết định. Ở đó, sứ mệnh đang đặt trên vai các nhà sản xuất và hãng phim tư nhân. Những con số biết nói từ phòng vé của các bộ phim Việt Nam đạt kỷ lục doanh thu cho thấy sự nỗ lực của các nghệ sĩ, người làm phim và nhất là các nhà đầu tư, sản xuất. Bởi chính họ đã kéo khán giả đến rạp và đang phải cạnh tranh quyết liệt với các phim”bom tấn nước ngoài, đồng thời có khát vọng mang phim Việt Nam ra thế giới.