Nhà văn Thuỳ Dương: Cuộc sống có bao giờ toàn màu hồng?

Cẩm Thúy (thực hiện) 24/06/2019 18:13

Xinh đẹp, dịu dàng, nhà văn Thuỳ Dương thành đạt ở cả lĩnh vực báo chí và văn chương. Những trang văn giống như con người chị không dữ dội nhưng có sự da diết, mãnh liệt thẳm sâu và tinh tế. Đằng sau một cuộc sống dường như đầy hoa hồng ấy liệu có phải vẫn là một trái tim đàn bà viết văn đa đoan, không tự bằng lòng với mình? Một ngày, chị trải lòng với Tinh hoa Việt.

Nhà văn Thuỳ Dương: Cuộc sống có bao giờ toàn màu hồng?

PV: Có lẽ nhiều bạn bè thân quen đều đồng tình khi nhận xét về nhà văn Thùy Dương thế này: Một người được trời cho nhiều thứ quá, thành đạt trong công việc làm báo, thành công với những cuốn tiểu thuyết và một gia đình giàu có, yên ả. Chị thấy có gì cần phải nói lại không?

Nhà văn Thuỳ Dương: Tôi chỉ muốn hỏi lại một câu cuộc sống có bao giờ toàn màu hồng không nhỉ? Có thể bạn và mọi người chỉ nhìn ở góc độ lạc quan nào đó thôi! Thành đạt hay thành công cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Giàu có thì chắc chắn không như mọi người vẫn nghĩ rồi…Bạn bè thân thiết với tôi đều biết là tôi có cả một đại gia đình bao năm rồi vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp ngày trước các cụ truyền lại với gần sáu chục thành viên luôn quây quần những ngày giỗ tết và luôn quan tâm gắn bó nhau. Gia đình nhỏ nhà tôi cũng thế - luôn thấu hiểu và chia sẻ, là chỗ tựa cho tôi mỗi khi gặp khó khăn… Có lẽ đó là sự giàu có mà tôi luôn tự hào.

Và tôi cũng như mọi người luôn cảm ơn về những điều tốt đẹp mà cuộc đời đã dành tặng cho mình.

Bí quyết gì để chị trẻ dai và giữ sự xuân sắc lâu thế?

- Tôi nhớ nhà văn Tô Hoài khi được nhà thơ Trần Đăng Khoa phỏng vấn rằng sao ông khỏe và minh mẫn khi đã rất nhiều tuổi? Tô Hoài trả lời đại ý rằng vì ông làm việc không biết mệt mỏi, vì khi người ta tư duy thì đầu óc như được thau rửa, sáng láng thông minh hơn... Tôi luôn nhớ và nhắc mình điều ấy – cố gắng luôn luôn làm việc và thấy mình năng động, cần thiết, chính vì vậy cảm giác trẻ trung vẫn ở đó trong mình. Tinh thần lạc quan, thanh thản rồi mỗi ngày gặp gỡ chia sẻ với những người có cùng chí hướng, cùng mối quan tâm chung… Điều đó như tiếp thêm năng lượng cho mình.

Công việc làm báo gắn với các doanh nghiệp, với thương trường của chị có gì mâu thuẫn hay lại là sự bổ sung cho một tâm hồn văn chương?

- Tôi không nghĩ có gì là mâu thuẫn mà cho rằng đó là may mắn thì đúng hơn. Bạn có phải tính toán cho kinh tế gia đình? Có phải trăn trở làm thế nào để có tích lũy nhiều hơn cho mình, có đủ điều kiện kinh tế để lo cho con có được cơ hội học tập tốt hơn?...

Đấy! kinh tế có mặt trong cuộc sống của mỗi chúng ta, như hơi thở, như nhắc nhở hàng ngày. Vì vậy khi làm báo kinh tế, tôi học được nhiều điều, cảm thấy mình hiểu biết đa dạng hơn và đặc biệt trưởng thành hơn. Có dịp tiếp xúc và thân thiết với một số doanh nhân, tôi hiểu thêm về một tầng lớp quan trọng trong xã hội và qua đó cũng làm sâu sắc hơn những suy tư của mình về con người.

Trong trang viết của tôi bắt đầu có bóng dáng của thương trường, của những được - mất và những trăn trở từ nó…Suy cho cùng tất cả những gì thuộc về con người đều không hề xa lạ với những trang viết - phải không?

Nhìn lại một chặng đường chị thấy thực ra thì mình thuận nhất là khi làm việc gì?

- Bạn hỏi khiến tôi cũng tự hỏi mình và chưa nhận được sự trả lời chắc chắn nào. Đi qua khá nhiều năm tháng, qua những vất vả khó khăn, những niềm vui cũng như những nỗi buồn, hy vọng và thất vọng đan xen nhau… Làm gì thì cũng vẫn còn nhiều điều chưa ưng ý. Nhưng thôi “yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc” nên chắc rằng làm báo, làm văn vẫn là thuận nhất với mình!

Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết, cảm hứng sáng tác của chị bắt đầu từ đâu?

- Bắt nguồn từ cuộc sống, từ tình yêu cuộc sống và con người! Đôi khi tôi cứ nghĩ nếu mình không viết văn có khi cuộc sống mình nhẹ nhàng sung sướng hơn chăng! Chỉ làm báo rồi quay về với công việc gia đình sẽ đỡ lao tâm khổ tứ, đỡ thức đêm thức hôm, đỡ phải cảm thấy “không yên” mỗi khi có gì đó thôi thúc…

Nói vậy thôi nhưng bù lại đó là thứ hạnh phúc mà chỉ có ai chót dính vào mới hiểu. Cuộc sống va đập vào ta và vì tình yêu với nó mà cứ trăn trở, bức bối và một ngày nào đó phải ngồi vào bàn mô tả lại – cái cuộc sống phức tạp, sôi động đầy rẫy những ham mê chết người, những thủ đoạn kinh khủng và cả nỗi đau khi nhận ra càng ngày càng thấy con người dời xa những giá trị đích thực. Nhà văn chứ không phải ai khác có nhiệm vụ phải “mổ xẻ” cuộc sống ấy, con người của thời đại ấy mà tỉnh táo tự vấn…

Đâu là lý do mỗi khi chị ngồi vào bàn viết?

- Tiếp nhận vào mình những va đập của cuộc sống, chiêm nghiệm và suy tư từ quá khứ đến hiện tại và tương lai – trong tâm thế của một người viết và chỉ cần một lý do nào đó - thậm chí ngẫu nhiên như một ánh chớp xẹt đến…Thế là tất cả bùng lên. Và viết.

Với tiểu thuyết “Ngụ Cư” - về thân phận con người trong lằn ranh giới của quá khứ và tương lai, trong nỗi buồn về sự “ngụ cư” trên trái đất này... đúng trong thời khắc giao thừa giữa thế kỷ 20 và 21, tôi thấy điều gì đó dội lên, bắt mình phải cầm lấy cây bút… “Thức Giấc” chính là khi tôi nhận ra – qua những lầm lạc, khổ đau, giận dữ và yêu thương đều phải biết tỉnh thức. Như mỗi con người, mỗi cuộc đời và lớn hơn là mỗi quốc gia cũng vậy.

“Nhân Gian” là khi tôi ngồi trên tàu về quê chồng, qua cửa sổ toa tàu thấy những ngôi mộ trùng trùng trong nghĩa trang liệt sĩ. Những chàng trai ưu tú nhất đã nằm lại vĩnh viễn - còn chúng ta thì đã sống ra sao? Câu hỏi ấy khắc khoải và khiến mắt tôi mờ nước!

Mỗi cuốn sách ra đời đều có lý do của nó, không có lý do nào giống lý do nào, có chăng chỉ chung một điều - như trên tôi đã nói – vì tình yêu cuộc sống!

Việc viết văn có được đặt ra như một kỷ luật không khi mà chị vốn chắc chắn rất bận rộn với việc làm báo?

- Tôi không đặt ra “kỷ luật” khi viết văn – Tôi viết do sự thôi thúc của bản thân. Đôi khi vì thế đang viết cuốn này tôi lại có thể nhảy sang viết cuốn khác rất say sưa. Sau tiểu thuyết “Nhân Gian” tôi đã viết được mấy chương tiểu thuyết “Độc thân xinh đẹp” thì một ngày bỗng nhiên bị “Chân Trần” chèn vào. Sau đó mê mải với những hồi ức của tuổi thơ tôi viết một mạch truyện vừa “Tóc rối đổi kẹo”. Rồi phải đến hoàn thành xong tiểu thuyết “Lạc Lối” tôi mới tự hứa nghiêm chỉnh để trở lại với những cô nàng “độc thân xinh đẹp” ấy.

Chỉ có một kỷ luật tôi đặt ra khi viết - ấy là ranh giới giữa làm báo viết báo với viết văn - rất rõ ràng!

Tình yêu giữ vai trò như nào trong cuộc sống của chị, tôi đã đọc được những trang văn miêu tả những trạng thái cảm xúc của người đàn bà đang yêu rất tinh tế trong một cuốn tiểu thuyết của chị?

- Tình yêu tất nhiên là quan trọng, quá quan trọng là đằng khác trong cuộc sống của tôi cũng như mọi người. Bởi nếu không yêu sao ta có thể đi qua cuộc đời đầy khó khăn vất vả buồn vui trộn lẫn này?!

Có một độc giả sau rất nhiều năm gặp lại còn nhắc với tôi câu nói của nhân vật chính trong “Thức giấc” và bảo chính nó động viên cô ấy, giúp cô vượt lên : “Mất mát đến tận cùng thì vẫn phải cố giành lại niềm kiêu hãnh. Chỉ có nó mới giúp ta tồn tại được trong cõi đời này.Tồn tại mà không bao giờ phải cúi đầu!”

Tôi luôn biết trân trọng nâng niu tình yêu – tình yêu với đất nước, với con người, với gia đình, bạn bè…và cả tình yêu cho nụ hoa nở trước hiên nhà tôi mỗi sáng.

Nghe nói chị sắp cho ra một cuốn tiểu thuyết, đã có thể nói trước gì về cuốn sách ấy?

- Vẫn nhân vật chính là đàn bà, “Lạc Lối” có ba người bạn thân ở ba lĩnh vực khác nhau. Cuộc đời họ đan xen, ảnh hưởng và không khỏi có lúc làm tổn thương lẫn nhau. Đặc biệt ở họ có một niềm chung - ấy là mối tình đầu đầy xao xuyến với một chàng trai…

Nhưng rồi sau những đổ vỡ, thất vọng và cả đau đớn đã trải, một sự thật hiển nhiên rằng – suy cho cùng, tranh giành, giẫm đạp lên nhau chạy đến một nơi nào đó tưởng là đến đích rồi lại ngỡ hóa ra không?!

Mà đâu chỉ riêng ba người bọn họ - phải không!

Xin cảm ơn chị!

Cẩm Thúy (thực hiện)