Nhà nước cần tăng cường “đặt hàng” báo chí
Để đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, vấn đề đẩy mạnh báo chí chính thống đã được đặt ra. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã chỉ ra 3 vấn đề giúp báo chí thực hiện được sứ mệnh đó.
Ông Đào Trọng Thi.
Giành lại môi trường mạng
Trước việc sử dụng báo chí chính thống để đẩy lùi thông tin xấu, độc hại, thiếu chính xác của mạng xã hội, ông Đào Trọng Thi cho rằng: Tăng cường sự ảnh hưởng của báo chí chính thống là cách để giành lại ảnh hưởng so với thông tin trên mạng xã hội. Tăng cường ảnh hưởng của chính báo chí chính thống, trong đó có báo in, là “cần” nhưng chưa “đủ” mà phải có hình thức để báo chí tham gia vào truyền thông trên mạng xã hội. Tức là cân bằng ảnh hưởng của báo chí chính thống trên chính môi trường mạng.
Ông Đào Trọng Thi đưa ra phân tích: Thế mạnh của thông tin trên mạng xã hội chính là ảnh hưởng rộng rãi, tiếp cận với người đọc tương đối dễ dàng, không cần kiểm chứng, thậm chí đưa thông tin không chính xác, thông tin giả. Còn thông tin của báo chí phải tuân theo các quy trình chặt chẽ như đảm bảo sự thật, thông tin phải được kiểm chứng. Điều đó làm cho thông tin của báo chí chính thống không thể nhanh bằng thông tin của mạng xã hội.
Từ thực tế trên, ông Đào Trọng Thi đưa ra gợi ý: Bây giờ phải làm sao có cách để thông tin chính thống tham gia mạnh mẽ hơn vào môi trường mạng từ chính các nhà báo chân chính. Lúc đó thông tin được các nhà báo đưa ra trên mạng xã hội sẽ có thể định hướng dư luận tốt hơn.
Cân bằng 2 yếu tố
Trước vấn đề các cơ quan báo chí hiện đang phải tự chủ trong hoạt động, nghĩa là đáp ứng nhu cầu thông tin của thị trường, nên khó có thể cạnh tranh với thông tin trên mạng xã hội nếu như không có được các cơ chế hỗ trợ hữu hiệu; ông Đào Trọng Thi cho rằng: Khi chấp nhận cơ chế hoạt động trên mạng xã hội thì báo chí chính thống cũng phải cân đối 2 mục tiêu.
Theo ông Thi, thông tin giả trên mạng xã hội tìm mọi cách để đạt mục tiêu, kéo chú ý cư dân mạng thì thông tin báo chí hoạt động trên mạng cũng phải theo đúng định hướng và đúng sự thật. Do đó trong lựa chọn nội dung và chủ đề trên báo phải dung hòa. Có những thông tin “phải có” để đảm bảo mục đích định hướng dư luận xã hội, bên cạnh đó cũng phải có các thông tin giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Lúc đó anh mới giành được sự chú ý. “Vấn đề cần đặt ra là cân đối 2 mục tiêu ấy và đảm bảo sự tiên quyết của thông tin” – ông Đào Trọng Thi cho hay.
Cơ chế nào để hỗ trợ báo chí?
Vậy trước những thách thức mà báo chí chính thống đang phải đương đầu với thông tin trên mạng xã hội hiện nay, Nhà nước phải có cơ chế gì tiếp theo để hỗ trợ báo chí? Theo ông Đào Trọng Thi: Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ hoạt động báo chí nhưng sẽ phải “hỗ trợ” cho báo chí về những thông tin mà Nhà nước cần, xã hội cần.
“Phải phân loại thông tin vì thông tin giải trí, thu được lợi ích thì Nhà nước không cần bảo trợ. Nhưng thông tin cần thiết cho xã hội, Nhà nước cần phải bảo trợ vì nó phục vụ cho mục đích chung. Bảo trợ tốt nhất chính là dưới dạng “đặt hàng”. Lúc đó thông tin của tòa soạn báo có thể 30% là phục vụ cho Nhà nước, còn 70% hoạt động bình thường” – ông Đào Trọng Thi bày tỏ.
Cũng theo ông Đào Trọng Thi, không thể bao cấp tràn lan hoạt động báo chí vì bao cấp tràn lan chưa chắc đã phục vụ đúng yêu cầu của Nhà nước, thứ hai là sẽ dàn trải. Do đó lựa chọn những bộ phận thông tin mà Nhà nước và xã hội cần để “bao cấp” tập trung vào đó. Hiện chúng ta đang bao cấp tràn lan, chính những tòa soạn được bao cấp 100% lại là tòa soạn ít có ảnh hưởng. Còn các tòa soạn có ảnh hưởng họ lại đảm bảo được phần chi phí hoạt động của họ. “Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần phân loại, hỗ trợ đối với thông tin nào? mà Nhà nước, xã hội cần, cũng như tòa soạn nào được hỗ trợ là vấn đề cần phải cân nhắc” – ông Đào Trọng Thi nêu vấn đề.