Về một người kể chuyện xưa mà tôi biết
Năm 2008, lần đầu tiên gặp nhà văn Hà Ân - để tìm hiểu rồi thực hiện một bộ phim tài liệu truyền hình về ông - phải thú thực, tôi hơi... thất vọng. Vì ông có một hình hài diện mạo thật khác xa với bản phác thảo chân dung trong tưởng tượng của mình về một Hà Ân - tác giả của những trang truyện kể lịch sử đầy bóng kiếm, hoa đao, vó ngựa chốn biên thùy, buồm căng nơi biển lớn, tiếng thét Sát Thát chất chứa căm hờn của đoàn quân xung trận, v.v...
Nhà văn Hà Ân.
Ông gầy gò nhỏ bé, da mồi tóc bạc, đứng lên ngồi xuống hay đi lại nói năng đều khó khăn. Đã vậy, một bên vai ông lại cứ nghiêng nghiêng, vai bên kia nhô lên nhọn hoắt dưới lần áo mỏng. Hỏi ra mới biết, ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh, tưởng chết. Thế nhưng, khi câu chuyện giữa chúng tôi “bắt” vào đề tài lịch sử và công việc viết truyện lịch sử, Hà Ân dường như bỗng vượt thoát khỏi cái hình hài già héo hiện tại của mình. Ông sôi nổi, nồng nhiệt và đầy hóm hỉnh. Ông khiến tôi phải trộm nghĩ, mỗi nhà văn có một cái “tạng” riêng, và năng lực sáng tạo của mỗi người sẽ được giải phóng đến tận độ khi cái “tạng” riêng ấy tìm ra đúng mảnh đất thích hợp với nó. Với “tạng văn” Hà Ân, những thời đại trong quá khứ của dân tộc Việt Nam – mà ta vẫn quen gọi bằng một từ không mấy chính xác là “lịch sử” – có lẽ là mảnh đất thích hợp nhất. Ông gần như chỉ viết về đề tài lịch sử. Trong khoảng thời gian từ 1962-1995, ông đã viết tới ngót hai mươi cuốn truyện lịch sử, và không ít trong số đó đã nhiều lần tái bản, nhất là về công cuộc kháng Nguyên oanh liệt của vương triều Trần (Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Trên sông truyền hịch, Người Thăng Long). Hà Ân yêu thích lịch sử, điều đó đã hẳn. Và những nhà văn chuyên về đề tài lịch sử như Hà Ân, thực chất là những phi hành gia đã mạo hiểm lên tàu con thoi, ngược thời gian để trở về quá khứ: họ tìm kiếm sự thoả mãn cá nhân trong hành vi ngược nguồn mạo hiểm đó. Họ đổ bộ xuống những vùng đất trống, những vùng đất mà cơn lũ của những tháng năm, những thế kỉ đã cuốn phăng đi tất cả. Nơi đó, bằng một ít tàn tích nửa thật nửa giả gom nhặt được, họ phải nối kết chúng, nhào nặn chúng, thổi hồn cho chúng (sống được hay không và sinh động đến đâu, lại là chuyện khác). Người viết truyện lịch sử phải huy động một nguồn năng lượng tưởng tượng lớn trong tư cách người sáng tạo ra cả một thế giới. Dĩ nhiên, để tránh rơi quá sâu vào một thứ “chủ nghĩa duy tâm” nào đó, cũng xin nhắc rằng Hà Ân từng có thời gian (1964-1967) làm chuyên viên nghiên cứu lí luận của Bảo tàng Quân đội – một công việc đòi hỏi phải va chạm thường xuyên với hàng núi các tư liệu lịch sử, và biết đâu đấy, tình yêu lại bắt đầu từ chính những tình thế bất khả kháng?
Tôi đã đọc phần tự bạch của Hà Ân trong cuốn Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam, ông có nói tới yêu cầu đặt ra đối với người sáng tác văn học về đề tài lịch sử: “Tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng rãi chính xác của sử gia và có tưởng tượng sáng tạo vô cùng phong phú của tiểu thuyết gia”. Tôi cố gặng hỏi chi tiết hơn nữa về chuyện “bếp núc” của một nhà văn chuyên viết truyện lịch sử, ông cười cười rồi lần đến bên chiếc tủ kê ở góc nhà, mở ra. Đầy cả một khoang dưới tủ là những cuốn sách có bìa bọc bằng vỏ bao xi-măng đã cũ, vàng vàng, đen đen, xộc xệch. “Đấy, muốn viết truyện lịch sử cho thật hấp dẫn, cần phải đọc những thứ này...” - ông nói. Tôi lật xem một vài cuốn: thì ra là chưởng Kim Dung. “Xạ điêu anh hùng truyện”, “Thần điêu hiệp lữ”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Thiên Long bát bộ”, “Phi hồ ngoại truyện”... trong tủ của Hà Ân có khoảng sáu, bảy bộ sách đã rách nát của Kim Dung tiên sinh - minh chủ tuyệt đối của thể loại tiểu thuyết kiếm hiệp. Hà Ân kể, sau ngày giải phóng miền Nam, ông vào Sài Gòn, vớ được chưởng Kim Dung, đọc rồi mê luôn. Đến lúc trở về Hà Nội, ông đã phải tìm đủ cách để mang theo số sách này. Sau đó, trong nhiều năm, cái thư viện chưởng ở căn gác số 24 Nguyễn Quang Bích của ông đã phục vụ không ít những độc giả là văn gia thuộc vào loại khét tiếng của làng văn Hà thành. Vị nào đọc Kim Dung xong cũng tấm tắc khen cả. Có vị còn mượn đọc – từ “chuyên môn” gọi là “luyện chưởng” – tới vài lần cho “đã”... Đã qua lâu rồi cái thời chưởng bị coi là hắc thư - mà có lẽ vì một nỗi ám ảnh, hoặc một lối nghĩ “khụng khiệng” dai dẳng: chưởng, dẫu hấp dẫn đến thế nào thì cũng chỉ là sách giải trí, chỉ là một loại á văn học (paraliterature) mà thôi. Nói dài dòng như vậy để thấy, với “thú nhận” kể trên, Hà Ân tỏ ra là một nhà văn đã vượt qua được định kiến để trở nên thành thực với người và với chính mình. Mà, ngẫm cho kĩ thì phát ngôn của ông không phải là không có cơ sở. Ai đã đọc truyện lịch sử của Hà Ân hẳn sẽ thấy trong truyện có khá nhiều trang miêu tả các nhân vật thi triển võ nghệ (cụ đô Uẩn, người lính cận vệ của An Sinh vương Trần Liễu, chẳng hạn) rất sinh động, rất hấp dẫn - mà những miêu tả kiểu này thì rõ ràng Kim Dung là một mẫu mực. Hoặc, ở một nhân vật mà Hà Ân tâm đắc - Đỗ Vĩ, người được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn sử dụng như một điệp viên của Đại Việt trên đất Nguyên – ta sẽ nhận ra thấp thoáng bóng dáng của nhân vật quái kiệt Đào hoa đảo chủ, Đông tà Hoàng Dược Sư trong “Xạ điêu anh hùng truyện” và “Thần điêu hiệp lữ: con người tài hoa rất mực, đàn ngọt, thơ hay, vẽ giỏi, võ nghệ siêu việt, mà hành tung thì luôn phiêu hốt bất định!
Nhắc tới nhân vật Đỗ Vĩ, cũng tức là nhắc tới một kỉ niệm không thể nào quên trong đời văn của Hà Ân. Số là, năm 1980, ông công bố phần đầu cuốn “Người Thăng Long”, với nhân vật trung tâm là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ông dự định sẽ cho ra mắt bạn đọc phần cuối, với nhân vật trung tâm là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, vào năm 1986. Ông mê nhân vật lịch sử này bởi cứ nghĩ đó là tác giả của bài “Phóng cuồng ca” với những câu rất mực cuồng phóng, ngạo đời, và thực tế là ông đã hoàn thành phần cuối cuốn truyện trên nền tảng các sự kiện xoay quanh tâm điểm là Trần Quốc Tảng. Ai ngờ lúc ông chuẩn bị mang bản thảo đi in thì Tạp chí Văn học lại xuất hiện một bài khảo cứu, xác định rằng “Phóng cuồng ca” là tác phẩm của Tuệ trung thượng sĩ Trần Tung. Cái tình thế tuế toái này, Hà Ân đã nói trong Lời mở đầu cuốn Khúc khải hoàn dang dở (NXB Hà Nội, 2002): “Thế là sụp đổ hết. Tôi định cứ công bố tác phẩm như vậy bất chấp về nghiên cứu là như thế nào. Trong lịch sử văn học thế giới đã chẳng có hiện tượng Koestler viết Spartacus, trong mỗi chương truyện đều có một câu đề từ trích từ sử biên niên, nhưng trong chương ông viết ngược lại với câu đề từ? Nhưng rồi tôi không làm điều đó vì nó ngược với cách thường viết của tôi, là các mấu cớ phải là chuyện có thực trong lịch sử. Phải bỏ phần đó và tôi viết lại phần cuối”. Chỉ đến khi “gặp” Đỗ Vĩ - với một câu ngắn ngủn được ghi trong sử Trung Quốc, rằng ngày ấy tháng ấy năm ấy bắt được nội gián nước Việt tên là Đỗ Vĩ, đem giết – thì Hà Ân mới thực sự hoàn thành và cho ra mắt được phần cuối của cuốn “Người Thăng Long”. Quãng thời gian giữa hai phần của cuốn sách là 20 năm! Hẳn, từ chi tiết này, sẽ có nhiều người khen rằng Hà Ân là người cẩn trọng khi viết truyện về đề tài lịch sử, rằng ông tôn trọng sự thực như nó vốn có, v.v và v.v... Tôi thì nghĩ rằng ông là người dám đi đến cùng trong xác tín của mình. Ông bỏ – chính xác là đốt – phần bản thảo đã viết, để rồi phải vật vã suốt 20 năm mới hoàn thành cuốn sách, chính là vì cái xác tín này. “Đứa con tinh thần” – người ta thường nói như vậy về sản phẩm sáng tạo của người viết văn – dẫu không là mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, không là anh hùng lừng lẫy chiến công, không là tài năng siêu quần xuất chúng, thì nó vẫn cứ là cái đã rút ra từ máu thịt, từ tâm não của nhà văn. Những giọt lệ của Hà Ân, do vậy, hẳn phải mang đủ vị của cả đau khổ và hạnh phúc trong một cuộc vượt cạn văn chương?
Bộ phim tài liệu truyền hình về nhà văn Hà Ân, phải thú thực, được thực hiện với khá nhiều cảnh theo “khuôn khổ truyền thống của truyền hình”. Nghĩa là, đã là nhà văn, thì phải có cảnh ông trầm tư trước trang giấy rồi viết vài ba hàng chữ gì đó, mà nhất thiết là phải viết vào ban đêm. Nhà văn già, thì phải tạo ấn tượng rằng ông hết sức cô đơn – như thể cứ hễ già là phải cô đơn? - bằng cảnh ông chống gậy một mình dò dẫm trên vỉa hè, rồi khó nhọc leo lên cầu thang, bóng người xiêu vẹo in trên tường, trong ánh đèn vàng vọt (cũng cảnh đêm, tất nhiên). Đại loại thế. Nhưng với cá nhân tôi, tôi lại nhớ nhiều tới những giờ phút được một mình trò chuyện với Hà Ân. Bằng cách ấy, và chỉ bằng cách ấy, tôi mới thấy được rằng mình có dịp hiểu ông nhiều hơn sau khi đã đọc những tác phẩm ông viết, cũng như đã đọc những gì người ta viết về ông. Nhiều người thường định danh Hà Ân là “nhà tiểu thuyết lịch sử”, còn tôi, một cách thật giản dị, tôi muốn nói về ông như một người kể chuyện xưa đầy hào hứng và thú vị của bạn đọc ngày hôm nay.
Người kể chuyện xưa ấy đã vĩnh viễn về với cõi xưa vào năm 2011.