Thủ tướng: Vùng KTTĐ Bắc Bộ cần giữ vững vai trò trung tâm kinh tế
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là một trong hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ sáng nay (25/6) tại Hưng Yên.
Thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc Bộ về kết quả đạt được thời gian qua. Vùng đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Trong 14 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương thì có toàn bộ các địa phương của vùng.
Tuy nhiên, với tinh thần “nói bất cập, tồn tại nhiều hơn để thấy mình đang ở đâu, để sửa chữa”, Thủ tướng cho rằng, khu vực dịch vụ hiện đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của vùng có xu hướng giảm (từ gần 51% năm 2016 xuống còn khoảng 47% năm 2018).
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn rất yếu; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến còn lạc hậu… Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công nghiệp… rất phức tạp. Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ tầng.
Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng.
Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa. Phần lớn (gần 65% số vốn) các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ.
Phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (với các dự án lớn của Samsung, LG, Microsoft, Canon...) và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Các hoạt động hợp tác liên kết nội vùng và giữa các vùng chưa thật sự chủ động, hiệu quả. Chất lượng tăng trưởng và mức độ lan tỏa của vùng KTTĐ chưa thực sự rõ nét. Chỉ số PCI, PAPI ở một số địa phương còn thấp.
Cấu trúc không gian phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng (như Hà Nội chậm phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Xuân Mai; Hải Phòng và Quảng Ninh được quy hoạch là khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia nhưng chưa được tập trung đầu tư..).
Ảnh: VGP.
Ghi nhận ý kiến rằng cần tính toán lại số lượng địa phương tham gia vùng, Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu việc phân chia lại vùng kinh tế.
Về định hướng phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là một trong hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.
Về định hướng phát triển và xác định ngành nghề trụ cột ưu tiên, quy hoạch phân bổ không gian phù hợp hơn. Danh mục dự án hạ tầng liên kết vùng, cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng cần làm rõ hơn.
Cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân.
Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Làm tốt hơn dịch vụ logistics. Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng nói. Là vùng có dân trí cao, nên cần phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy.
Vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt, “vùng có phải đi đầu trong việc không có rác thải nhựa hay không?”. Thủ tướng hoan nghênh việc Hội nghị sử dụng chai nước thủy tinh thay cho chai nhựa.
Quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới. đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân.
Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Ảnh: VGP.
Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương tập trung kiến nghị về liên kết vùng. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ Bắc Bộ đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược.
Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, ông Chung đề xuất Thủ tướng giao cho một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.
Lãnh đạo tỉnh chủ nhà Hưng Yên mong muốn Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội, Hưng Yên triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi. Cho phép thi công giai đoạn 2 dự án đường nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ nguồn vốn dư của dự án cầu Hưng Hà, do đường mới thông xe có 6 tháng nhưng mật độ xe đã vượt thiết kế 5 lần.
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội-Cái Lân để đưa vào khai thác đồng bộ phát huy hiệu quả đầu tư, bổ sung đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỉ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong vùng. Trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, cao hơn rất nhiều so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100-200 người/km2).