Cẩn trọng trước nguy cơ trẻ nhiễm độc chì
Không ít các bậc phụ huynh khi thấy con bị sốt, viêm da cơ địa, kém ăn, tưa lưỡi… đã cho con uống thuốc cam với suy nghĩ đây là loại thuốc có khả năng điều trị mọi loại bệnh thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, thuốc cam không phải là “thần dược”!
Cẩn trọng trước nguy cơ ngộ độc chì khi cho trẻ uống thuốc cam.
Ngộ độc chì vì uống thuốc cam
Từ đầu năm 2019 đến nay, BV Nhi trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ bị ngộ độc chì do uống thuốc cam không rõ nguồn gốc.
TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi trung ương cho biết, trường hợp 6 trẻ nhập viện cấp cứu có nhiều biểu hiện khác nhau. Gia đình của các cháu vốn đã mặc định thuốc cam là “thần dược”, có thể trị được đủ mọi loại bệnh từ kém ăn, tưa lưỡi, viêm loét miệng… nên đã mua để cho trẻ sử dụng. Kết quả, bệnh ngày càng trở nên trầm trọng. Đáng chú ý, tất cả các bệnh nhi sau khi uống thuốc cam đều bị ngộ độc chì.
TS.BS Lê Ngọc Duy cho hay, trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Phan Bảo N. (7 tháng tuổi, Thanh Hoá) được chuyển đến Khoa Cấp cứu và chống độc BV Nhi trung ương trong tình trạng li bì, nôn trớ và đi ngoài. Người nhà bé cho biết, trước đó 2 tuần, bé bị viêm loét miệng, bà nội nghe theo lời của hàng xóm có một thầy lang gần nhà có bài thuốc cam gia truyền chữa bệnh rất tốt nên đã tìm mua cho cháu N. uống. Sau 7 ngày sử dụng thuốc cam do thầy lang kê, bé bị nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên đã được gia đình đưa đến BV tỉnh để khám và điều trị. Sau đó, bé được chuyển đến Khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi trung ương.
Kết quả lấy mẫu máu tại BV Nhi trung ương cho thấy, nồng độ chì trong máu lên đến 384.2 microgam/dL (mức cho phép là >10 microgram/dL).
BS Đinh Thị Hồng, Khoa Cấp cứu Chống độc, BV Nhi trung ương cho biết, qua thăm khám và điều trị, bé N. bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng đến mức phải tiến hành truyền máu.
Hiện, sau hơn 2 tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, sức khoẻ bé N. đã có những tiến triển rõ ràng. Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì trong máu đã giảm. Việc thải độc chì sẽ được tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.
Nhiều hệ luỵ
Theo các chuyên gia y tế, chì là một chất rất độc và gây hại cho sức khoẻ. Chì khi vào cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này tích luỹ lâu trong nội tạng (đặc biệt là ở xương) và sẽ phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài.
Khi trẻ bị nhiễm độc chì thường có các biểu hiện đa dạng từ cấp tính - dễ nhận biết đến mạn tính - lâu dài, không điển hình. Về thần kinh, các biểu hiện cấp tính như: tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình như: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ và hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Về tiêu hoá, trẻ nôn, đau bụng, chán ăn, xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Ngoài các biểu hiện như trên, trẻ khi bị nhiễm độc chì còn có nhiều biểu hiện kín đáo và chỉ có thể phát hiện khi tiến hành xét nghiệm định lượng chì trong máu.
Thực tế cho thấy, do thiếu hiểu biết và thiếu thận trọng, nhiều thầy lang và ngay cả một số ít các thầy thuốc Đông y không được đào tạo chính quy đã dùng các khoáng vật có chứa chì hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác để bào chế thành những đông dược thành phẩm dưới dạng bột, thuốc cam, thuốc viên… dùng ngoài hoặc uống trong, thậm chí còn giả nhập khẩu từ Trung Quốc với nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau quảng bá là thuốc “gia truyền” để chữa bệnh một cách tuỳ tiện.
TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo, để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh để cho trẻ sử dụng. Gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác. Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.