Hoài niệm dư vị mùa hè
Nghỉ hè là khoảng thời gian được rất nhiều trẻ em mong đợi, nhưng giờ đây kỳ nghỉ hè cũng đã trở thành nỗi lo của không ít phụ huynh. Nhất là khi nhiều cha mẹ quá bận bịu với công việc, không có thời gian để ở cạnh con, hoặc có thể quản lý con trong suốt thời gian hè khá dài. Nỗi lo hè về của những gia đình thành phố đang thực sự khiến cho mùa hè ít nhiều phôi phai ý nghĩa. Cho dù không ít bậc cha mẹ đã lên “kế hoạch hè” cho con em mình trước đó cả vài tháng.
Mùa hè với trẻ em nông thôn. Ảnh: ANTT.
Như đã nói, nhiều gia đình (nhất là những gia đình ở thành thị) đã lên kế hoạch hè cho con từ sớm. Tùy điều kiện của mỗi nhà mà các con tham gia học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, học bơi, học bóng rổ, bóng đá, học kỹ năng sống, học thêm… Dẫu thế đó cũng mới chỉ là một phần hoạt động trong mùa hè. Đa phần thời gian còn lại, trẻ tự quản mình ở những gia đình không có điều kiện về người giúp việc. Vậy là vô số những nỗi lo thường trực với phụ huynh như lo tai nạn thương tích, lo trẻ bị đuối nước, lo cho sự an toàn khi con ở nhà một mình…
Những nỗi lo ấy, không thể kỳ vọng được giải tỏa từ một, hai khóa học kỹ năng; hoặc một vài lời dặn dò từ người lớn. Đơn cử như tôi dặn con khi bố mẹ đi làm, con trông nhà thì không được mở cửa cho người lạ vào, tránh giao tiếp với người lạ… Nhưng trẻ mau quên, vừa vâng dạ đấy, rồi lát sau lại mơ hồ lời căn dặn. Thấy có tiếng chuông thì vội vàng mở cửa nói vọng ra: Bố mẹ cháu vắng nhà hết rồi, chỉ có mình cháu thôi, đừng bấm chuông nữa. Nhân nói về việc học kỹ năng sống cho trẻ, theo lời khuyên của các chuyên gia, học kỹ năng sống là quá trình, phải học cả đời, không thể chỉ trông chờ vào những khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày như lời quảng cáo của các trung tâm. Các trung tâm mở lớp học chỉ na ná giống nhau: trang bị kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…Trong khi không phải nhận thức của mọi đứa trẻ là như nhau, nên hiệu quả thu được sau mỗi khóa học cũng khác nhau.
Nhìn những đứa trẻ ở khu chung cư chúi đầu vào chơi điện tử, lâu lâu lại bị người lớn quát tháo, thực sự thấy thương bọn chúng hơn. Bởi trẻ ở thành phố có quá ít điều kiện để rèn luyện kỹ năng sống so với trẻ nông thôn; lại càng thiệt thòi hơn rất nhiều so với cha mẹ chúng khi ở độ tuổi như chúng bây giờ.
Mà cái sự thiệt thòi đầu tiên chính là việc học sinh không được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Chỉ chừng đầu tháng 8, thậm chí là cuối tháng 7 học sinh đã phải trở lại trường. Lại nhớ trong buổi họp phụ huynh cuối năm học vừa rồi, cô giáo chủ nhiệm phát Phiếu sinh hoạt hè về khu dân cư, nhiều phụ huynh băn khoăn hỏi: Tổ dân phố nơi chúng tôi ở không có tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… thì sao các cháu có thể sinh hoạt hè được? Cô giáo giải thích rằng: Ở những nơi không tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em thì đành vậy, có lẽ nhà trường cũng không bắt buộc. Nhưng chỉ chừng ấy cũng đủ thấy cái thiệt thòi thứ ba của lũ trẻ bây giờ là không thể hình dung ra sinh hoạt hè đúng nghĩa ở tổ dân phố, khu dân cư, nhất là ở những khu đô thị mới. Vì thế chúng không biết khái niệm anh/chị phụ trách Đội/phụ trách Sao Nhi đồng như cha mẹ chúng khi xưa…
Nếp sống hối hả và hiện đại khiến cho mùa hè của những đứa trẻ ở thành phố đủ đầy mà không sinh động. Chúng có điều hòa mát rượi, có tivi, có máy chơi game nhưng chắc chắn không có những trò thú vị như bắt cá rô sau mỗi trận mưa, chăn bò, đào dế, bắt ve, bắt đom đóm …, hay đơn giản nhất là trải chiếu giữa sân gạch nằm ngắm bầu trời sao đêm hè…
Mùa hè mỗi năm sẽ trở lại theo quy luật. Nhiều chục năm trôi qua từ thời niên thiếu, nhưng dư vị về một mùa hạ cháy đỏ hoa phượng với thế hệ của chúng tôi dường như vẫn còn nguyên vẹn. Thật tiếc là ta không giúp được con cái mình có được cảm giác như thế nữa. Những đứa trẻ ấy sẽ lớn, rồi sẽ lại hoài niệm. Và chắn chắn rằng dư vị mùa hè của những đứa trẻ hôm nay sẽ khác, thậm chí khác nhiều so với mùa hè trong ký ức của các bậc phụ huynh.