Cú hích từ hiệp định thương mại mới
Ngày 30/6 tới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ chính thức được ký kết.
Đây thực sự là tin vui cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi khi các Hiệp định này chính thức có hiệu lực, gần như 100% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu sẽ được xóa bỏ khi hàng hóa xuất khẩu sang EU, bên cạnh đó là hàng loạt những điểm ưu việt sẽ đến với môi trường kinh doanh nước nhà.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ gia tăng cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Nhắc đến những điểm lợi thế khi EVFTA có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ mở ra cơ hội phát triển, tăng trưởng thương mại vào thị trường 28 nước trong EU. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta có thể khơi thông dòng chảy đầu tư từ EU vào trong nước và ngược lại, hàng hóa của Việt Nam cũng dễ dàng được đưa đến với 28 thị trường. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Cần phải nhấn mạnh rằng, khối liên minh EU bao gồm 28 thị trường không hề dễ tính, với hàng loạt các quy định khắt khe, các biện pháp bảo hộ thương mại “khó tính”… Bởi vậy, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi vào thị trường này cũng cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định mà phía đối tác đưa ra. Do đó, dù mang lại cơ hội song EVFTA cũng có những thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Song, thách thức đó lại cũng chính là “thuốc thử” để các DN nước nhà nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất có trách nhiệm. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Và tất nhiên, khi DN nâng cao trách nhiệm trong sản xuất để đưa đến các sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng cao thì bản thân thị trường nội địa cũng sẽ được hưởng thụ những sản phẩm chất lượng đó.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại, EVFTA còn là hiệp định có tính toàn diện cao khi độ phủ các lĩnh vực lớn, hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... Vì lẽ đó, Hiệp định này không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều mà còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới. Cùng với các FTA khác, như CPTPP, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Ở chiều ngược lại, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU cũng có cơ hội thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng… Rõ ràng, chúng ta nhìn thấy rất rõ những lợi ích tới từ cả hai phía và đây chính là “tác động kép” được đưa đến từ các Hiệp định nói trên.