Chặn dòng tin xấu độc

Ngọc Anh 27/06/2019 09:00

Truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ nhưng dường như “sự phát triển” này đang vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Thông tin xấu độc ảnh hưởng tới từng cá nhân cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia.

Cách đây vài tháng vào một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của một cô bạn. Vẻ hoảng hốt, bạn tôi kể về cậu con trai đang tuổi “nổi loạn”. Chắp nối những thông tin rời rạc của bạn, tôi hình dung ra một cậu bé cá tính. Cậu bé đó cắt tóc và đòi có những hình xăm trổ kín tay giống “thần tượng” Kh. “Bảnh” của giới trẻ trên mạng xã hội YouTube. Không được cha mẹ đồng ý, cậu suýt bỏ nhà đi bụi.

Không biết khuyên bạn như nào, tôi đành đưa ra những giải pháp chung chung kiểu làm bạn với con, dành thời gian cho cháu nhiều hơn. Tôi cũng đề nghị bạn cho con theo học lớp dance sport như cháu thích. Bẵng đi một thời gian, bạn tôi gọi lại hồ hởi khoe con đã mềm tính hơn, biết nghe lời. Nhưng cô bạn vẫn thòng một câu, mạng xã hội thật phức tạp, nếu không cẩn thận mất con như chơi.

Mạng xã hội mà bạn tôi than phiền khiến tôi nhớ đến cái chợ quê. Này nhé cứ search từ “thu phí chợ” trên Internet thì thấy bao nhiêu là chuyện. Sẽ có người thắc mắc, mỗi cái chợ quê con con tại sao mấy bà tiểu thương không tự dàn xếp với nhau được, mà cứ phải có một bên đứng ra đảm bảo trật tự nhỉ? Là bởi làm ăn có muôn hình vạn trạng, nay đọng nước chỗ này mai rác bẩn chỗ kia, lắm lúc có con nghiện đi lang thang xin đểu… Rồi trông xe cho khách, cân đong chính xác, đảm bảo an toàn thực phẩm. Những việc này không thể “tự quản” được.

Bây giờ, môi trường Facebook, YouTube và nhiều mạng xã hội khác xuyên quốc gia đang tồn tại tự do dựa trên lập luận chất phác là người dùng, cộng đồng tự điều tiết được hết, tự nhận thức được hết. Nghe hay lắm. Nhưng ba bảy hăm mốt ngày giống như chợ quê xuất hiện một con nghiện ăn cắp buồng chuối còn trên mạng xã hội thì suốt ngày hiển thị nội dung bán kem trộn, rồi hàng giả, hàng nhái. Đa cấp, công ty ma bán thuốc giả chữa bá bệnh tha hồ thao túng nhờ bỏ ra vài đồng quảng cáo.

Chưa kể những nội dung chống phá thường được xào xáo theo công thức: Lấy một vài thông tin về các vụ tiêu cực trong nước, thổi phồng lên, úp mở về sự liên quan của một số cán bộ lãnh đạo rồi đưa ra những kết luận theo hướng bôi nhọ thể chế hoặc cá nhân một số cán bộ lãnh đạo. Trong những tin bài chống phá này thì chỉ có số ít thông tin về những vụ tiêu cực được phanh phui là tin thật. Nhưng thay vì ủng hộ, khuyến khích các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì một số đối tượng lại lấy đó làm cớ để vu khống, bôi đen Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đó là gì nếu không phải những tin giả, thông tin xấu độc?

Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Nuôi dưỡng cho những thông tin xấu độc này có nhiều nguồn nhưng có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Cụ thể, dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước đã được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động.

Để chống lại những thông tin xấu độc cần sự vào cuộc thực sự của nhiều cấp, nhiều ngành nhưng trước hết cần thực hiện những biện pháp kỹ thuật và kinh tế. Mọi “nền tảng” mạng xã hội đều hoạt động trên các nền tảng hạ tầng mạng của Việt Nam. Những post, clip mang nội dung xấu độc không được phép tồn tại trên hạ tầng mạng của Việt Nam. Thậm chí, một bit thông tin chạy trên cáp Việt Nam cũng phải bị xóa. Việc một số nước châu Âu chặn app (ứng dụng) không tuân thủ pháp luật nước sở tại trên hạ tầng 3G là một ví dụ điển hình.

Song song với giải pháp về hạ tầng, các cơ quan quản lý cần tiến hành các biện pháp kinh tế trong đó có yêu cầu các đại lý quảng cáo phải tuân thủ Điều 13, 14, 15 của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Những biện pháp này không vi phạm quyền con người hay quyền tự do kinh doanh.

Năm 2017, nước Đức đã thông qua luật Netzwerkdurchsetzungsgesetz (NetzDG) trong đó yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội gỡ ngay các nội dung có chứa ngôn từ kích động thù địch, tin tức giả mạo và tài liệu bất hợp pháp. Các trang web không xóa bài đăng “vi phạm rõ ràng” có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro.

Nước Nga, đầu năm nay, cũng ban hành hai đạo luật, quy định phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng. Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp, Singapore, Campuchia… cũng có các quy định pháp lý nghiêm khắc để xử lý, ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội.

Quyền quyết sách đối với những vấn đề chính sách công liên quan tới mạng Internet là chủ quyền của các nước (Tuyên bố nguyên tắc Xây dựng xã hội thông tin: Thách thức toàn cầu trong thiên niên kỷ mới tại Hội nghị thượng đỉnh về xã hội thông tin, Gieneva, 12/12/2003). Việc tạo lập hành lang pháp lý để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó bao gồm cả truyền thông xã hội sẽ góp phần tạo ra ổn định làm nền tảng cho phát triển.

Một cái chợ quê con con cũng cần ông bảo vệ già ngồi đó trông xe thì mọi môi trường đều cần sự tồn tại của luật pháp. Và điều này không mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận chỉ có thể thực hiện trong môi trường bình đẳng, lành mạnh, an toàn!

Ngọc Anh