Vì một Thừa Thiên-Huế phát triển nhanh và bền vững
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, tổ chức quản lý có hiệu quả của chính quyền các cấp, cùng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên-Huế đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận.
Ông Nguyễn Nam Tiến.
Điểm nổi bật trong công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua của các cấp Mặt trận trong tỉnh là đã tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, lấy việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân làm trọng tâm trong các hoạt động, Mặt trận các cấp đã từng bước tổ chức các hoạt động theo tinh thần công việc cụ thể, sản phẩm cụ thể và thực hiện công tác phối hợp tổ chức các hoạt động theo phương thức phân công rõ ràng, trách nhiệm cụ thể.
Nhờ đó Mặt trận các cấp ở Thừa Thiên-Huế đã góp phần tích cực vào thực hiện phát triển KT-XH của tỉnh. Những năm qua tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt hơn 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.000USD. Đến nay, về cơ bản đường làng, ngõ xóm trên địa bàn toàn tỉnh đã được bê tông hóa, hơn 90% hộ dân được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh, đời sống nhân dân có bước phát triển, diện mạo của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Phong trào xây dựng gia đình văn hoá - làng, xã văn hoá được đông đảo nhân dân hưởng ứng; đã có trên 90% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, hơn 96% KDC được công nhận đạt danh hiệu KDC văn hóa, có 798 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân tích cực tham gia thực hiện, đã có 43 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.430 nhà Đại đoàn kết, các hoạt động như hỗ trợ hộ nghèo mượn vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ học tập, chữa bệnh hiểm nghèo, trợ cấp khó khăn vào các dịp lễ, tết, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 4,92%.
Thông qua thực tiễn gắn bó với các tầng lớp nhân dân, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên được tăng cường, củng cố và mở rộng; đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác kiện toàn, xây dựng tổ chức các cấp vững mạnh luôn được quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên không ngừng được củng cố và nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh những kết quả xứng đáng được ghi nhận trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục để tiếp tục xây dựng Mặt trận các cấp ngày càng vững mạnh hơn.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, nhằm đưa công tác Mặt trận của tỉnh lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt trận các cấp cần quan tâm một số vấn đề trọng tâm sau:
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức chính trị, ý thức, trách nhiệm công dân trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội phát động. Tiếp tục tổ chức thật tốt việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đẩy mạnh việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của MTTQ Việt Nam. Nắm và dự báo được tình hình tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời phải chủ động đề ra được các giải pháp tháo gỡ tình hình khi có vấn đề xảy ra trên địa bàn. Phấn đấu cùng toàn tỉnh không để xảy ra điểm nóng; tích cực vận động nhân dân đấu tranh chống lại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Tập trung tổ chức thực hiện thật tốt Quy chế dân chủ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện tốt Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị khóa XI đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội là một nhiệm vụ đòi hỏi mỗi tổ chức phải nỗ lực cao độ. Thực hiện tốt các quy định này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận và các đoàn thể không chỉ trong nhận xét của các cấp ủy Đảng và Chính quyền mà quan trọng hơn là trong nhận thức, sự thừa nhận của nhân dân.
Bên cạnh những hoạt động nói trên, các cấp Mặt trận cần tích cực tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “vận động, giám sát ATVS thực phẩm”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổ chức tốt các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Yêu cầu đặt ra cho những hoạt động này là toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.
Đẩy mạnh các hoạt động đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo vào các hoạt động do Mặt trận và các đoàn thể tổ chức. Tập trung nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là ở cơ sở. Củng cố, kiện toàn bộ máy của Mặt trận các cấp theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương khóa XII phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả.
Xây dựng Mặt trận các cấp vững mạnh, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trên cơ sở phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận các cấp tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2019-2024, góp phần xây dựng Thừa Thiên-Huế phát triển nhanh và bền vững.