Gian nan hành trình khai quật tàu cổ

Minh Quân 27/06/2019 08:00

Từ năm 1990 đến nay có 9 con tàu cổ bị đắm trong vùng biển Việt Nam được cho phép khai quật khảo cổ học. Tuy nhiên, có một thực tế nếu so các nước phát triển, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam tụt hậu khoảng 50 năm và riêng khu vực Đông Nam Á thì nước ta đi sau 20 - 30 năm.

Gian nan hành trình khai quật tàu cổ

Hiện trường phát hiện tàu cổ Dung Quất (Nguồn: BTLSVN).

Hành trình gian nan

Cụ thể, 9 con tàu đã được khai quật gồm tàu đắm ở Lagi, Bình Thuận (thế kỷ XV); tàu đắm ở Hà Tiên (thế kỷ XVIII); tàu đắm ở Cà Mau (Thế kỷ XVIII); tàu đắm được tìm thấy ở Hòn Cau, Bà Rịa -Vũng Tàu (thế kỷ XVII); tàu đắm ở Bình Định (thế kỷ XIV); tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam (thế kỷ XV); tàu đắm ở Phú Quốc - Kiên Giang (thế kỷ XIV); tàu đắm ở Hòn Dầm, Phú Quốc - Kiên Giang (thế kỷ XV) và con tàu cổ đắm ở Bình Châu - Quảng Ngãi (thế kỷ XIII). Trong đó, hầu hết các hiện vật được tìm thấy là các vật dụng đồ gốm như đĩa, bình, chum... men nâu đen và men xanh ngọc trên tàu đắm ở Lagi (Bình Thuận); tượng Phúc, Lộc, Thọ, tranh, tượng khỉ, tượng hoa lá… được làm bằng đá trên tàu cổ đắm ở Hà Tiên; gốm sứ thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) khoảng thế kỷ XIII - XIV trên tàu cổ đắm được tìm thấy ở Bình Định…

Đặc biệt, hiện vật được tìm thấy trên tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã mở ra bước ngoặt trong quá trình tìm tinh hoa văn hóa Việt - gốm Chu Đậu. Đây cũng là bằng chứng khoa học chứng minh Việt Nam đã có những thành công rực rỡ trong việc giao thương xuất khẩu gốm sang các nước trong và ngoài khu vực. Số hiện vật thu được là hơn 15 nghìn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương)- đồ gốm thương mại nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ (thế kỷ XV)… Cũng theo các nhà khảo cổ đánh giá, các sưu tập gốm sứ thu được từ những con tàu cổ này có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế lớn, trong đó có nhiều sưu tập độc bản, quý hiếm, có những hiện vật được định giá bảo hiểm lên tới hàng triệu USD.

Tuy nhiên, đằng sau hành trình tìm ra những “kho tàng” bí ẩn dưới biển đó là vô vàn câu chuyện “vượt khó” của chính những người trong cuộc. Bởi thực tế, từ trước đến nay, những con tàu cổ đắm được chúng ta tiến hành khai quật, do hạn chế nhiều mặt, thiếu thốn “đủ đường”. Từ vấn đề tài chính, phương tiện, thiết bị cho đến nguồn nhân lực nên mục tiêu chủ yếu là trục vớt cổ vật. Hơn nữa, việc phát hiện các con tàu đắm đều do ngư dân phát hiện ngẫu nhiên, không có sự chủ động từ phía các nhà nghiên cứu nên di sản đa phần đã bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cổ vật bị thất thoát, không gian phân bố bị xáo trộn, biến dạng, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu.

Trực tiếp tham gia nhiều cuộc khai quật tàu cổ, TS Nguyễn Văn Đoàn- Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhìn nhận: “Thực tế ở nước ta trong những năm qua do thiếu đội ngũ chuyên môn về khảo cổ học dưới nước nên mọi công trình khai quật đều gặp những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, bởi người biết lặn thì không biết làm khảo cổ và người có chuyên môn khảo cổ thì không biết lặn”.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Đoàn, chính sự thiếu vắng đội ngũ chuyên môn và cơ quan chuyên sâu đã làm cho những người thực hiện bị động trong công tác nghiên cứu, khai quật. Công tác khảo cổ chưa có những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ, định vị những con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam, qua đó có thể chủ động nghiên cứu, bảo vệ di sản và tránh được sự tàn phá, khai thác bừa bãi như đang diễn ra hiện nay… Tuy nhiên để đảm bảo cho các nhà nghiên cứu làm việc dưới nước an toàn, có đầy đủ kỹ năng sử dụng như vận hành, duy trì và sửa chữa các thiết bị lặn cùng các thiết bị hiện đại khác, có phông kiến thức rộng đủ để giải quyết các vấn đề khoa học có liên quan và có khả năng phối hợp với các chuyên gia liên ngành là một vấn đề không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được.

“Hiện nay, nếu so các nước phát triển, khảo cổ học dưới nước của ta tụt hậu khoảng 50 năm, riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đi sau 20 - 30 năm. Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển của công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm hiện nay, khảo cổ học dưới nước Việt nam cũng cần tăng cường sự hợp tác, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đơn vị kỹ thuật trong và ngoài nước…”- ông Đoàn bày tỏ.

Những nguy cơ hiện hữu

Có thể thấy, từ những khó khăn trên công tác khai quật tàu cổ ở Việt Nam đang gặp vô vàn những thách thức. Đặc biệt là nguy cơ “chảy máu” cổ vật là rất lớn. Bởi do điều kiện hạn chế về năng lực chuyên môn và khả năng tài chính, việc tiến hành khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam đều phải hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sau khi khai quật, phần nhiều hiện vật đều phải phân chia cho các doanh nghiệp, Nhà nước chỉ giữ lại hiện vật độc bản và một vài bộ sưu tập mẫu, tiêu biểu để phân chia cho các bảo tàng trong nước phát huy. Do đó, khi phân chia những hiện vật còn lại sẽ trở nên nhỏ bé, lẻ loi trong các bảo tàng, và khó mà phát huy giá trị như những di sản độc đáo của Việt Nam. Những hiện vật được đem bán đấu giá cũng trở thành tài sản, hàng hóa thương mại, mất hẳn giá trị vốn quý của nó. Chưa kể việc chia nhỏ các hiện vật cho các bảo tàng cũng đặt ra vô số những trở ngại trong công tác bảo quản.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất- Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trục vớt xác tàu và cổ vật dưới biển, nếu không có cách bảo quản, đồng nghĩa với việc phá hủy nó. Nhiều khi nó nằm ở đáy biển, cả nước biển lẫn nhiệt độ sẽ giúp hiện vật và xác tàu tồn tại hàng nghìn năm. Nhưng khi đưa lên, từ nhiệt độ, cộng với việc tách ra khỏi môi trường nước biển, hiện vật và xác tàu sẽ bị hư hại. Ở Việt Nam, ngành bảo quản hiện vật sau khai quật vẫn là vấn đề lớn, không riêng gì cổ vật dưới đáy biển mà cả trong lòng đất cũng thế…

Với những nguy cơ hiện hữu trên, với công tác khai quật tàu cổ nói riêng và khảo cổ dưới nước nói chung đã và đang vô cùng cấp bách trong việc xây dựng một chính sách, chiến lược lâu dài để bảo vệ, quản lý các di sản văn hóa dưới nước, ngăn chặn kịp thời hoạt động trục vớt, phá hoại phi pháp. Đồng thời, nếu có những đầu tư đồng bộ công tác khai quật khảo cổ sẽ chủ động trong công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, khai quật và lưu giữ, bảo tồn toàn vẹn con tàu và hiện vật để phát huy giá trị di sản, tránh sự phân tán, gây thất thoát. Làm được như vậy, các giá trị của di sản sẽ được cộng hưởng, không chỉ phản ánh đầy đủ ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa.

Minh Quân