Tỷ lệ thí sinh dự thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng qua các năm
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, có 561.364 học sinh cả nước đăng ký thi bài thi Khoa học Xã hội, chiếm gần 53% so với tổng số thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia.
Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN).
Sáng nay, ngày 27/6, trên 561.000 thí sinh cả nước sẽ làm bài thi cuối cùng của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, bài thi Khoa học Xã hội.
Bài thi Khoa học Xã hội gồm ba môn thi thành phần: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, có 561.364 học sinh cả nước đăng ký thi bài thi Khoa học Xã hội, chiếm gần 53% so với tổng số thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia.
Con số này cho thấy, tỷ lệ thí sinh dự thi bài thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này là 43%, năm 2018 là 48% và năm 2019 là 53%.
Ở nhiều địa phương, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội chiếm tới trên 65%. Ví dụ tại Ninh Bình, mùa thi năm nay có 8.745 thí sinh đăng ký dự thi thì có tới 5.762 em chọn bài thi Khoa học Xã hội, chiếm 65,89%.
Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng qua các năm.
Theo ông Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được chọn một trong hai bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để xét công nhận tốt nghiệp thì tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội liên tục tăng qua các năm. Tại Ninh Bình, con số này luôn ở mức trên 60%, năm nay là gần 66%.
[Thi THPT QG: Phân tích, so sánh ma trận đề Toán, Lý, Hóa trong ba năm]
“Nguyên nhân do các môn khoa học xã hội dễ học hơn. Đặc biệt, trong tổ hợp này có môn Giáo dục công dân với rất nhiều nội dung là kiến thức thông thường mà các em được tiếp cận trong quá trình học tập và sinh sống. Môn Địa lý có nhiều nội dung các em có thể trả lời trực tiếp câu hỏi căn cứ vào Atlat là tài liệu được mang vào. Trong ba môn của tổ hợp Khoa học Xã hội, chỉ duy nhất môn Lịch sử hơi khó hơn. Tuy nhiên, với các thí sinh chỉ cần dùng điểm thi để xét tốt nghiệp thì không đặt mục tiêu phải đạt điểm cao, chỉ cần đủ điểm đỗ,” ông Hòa phân tích.
Cũng theo ông Hòa, việc các trường đại học ngày càng linh động hơn trong kết hợp các môn thi trong các tổ hợp xét tuyển, trong đó có các môn thuộc bài thi Khoa học Xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng học sinh đăng ký bài thi này tăng lên.
“Đây là lựa chọn không chỉ riêng của thí sinh Ninh Bình mà của cả nước,” ông Hòa nói.
Nhận định của ông Hòa cũng là chia sẻ thực tế của các thí sinh. Theo các sỹ tử, việc chọn bài thi Khoa học Xã hội giúp thí sinh không mất quá nhiều thời gian để ôn tập khi môn Địa lý có Atlat, môn Giáo dục công dân có các câu hỏi dễ, gần gũi với cuộc sống và không khó để đạt 5 điểm, môn Lịch sử chỉ cần ôn tập đủ mức qua điểm liệt. Vì thế, thí sinh sẽ có thời gian để dành cho các môn thi xét tuyển đại học.
Với việc kết thúc bài thi Khoa học Xã hội trong sáng nay, các thí sinh cũng kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019./.