Nhà văn Trần Thị Trường: “Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan”
Gọi cô là nhà văn không tuổi, bởi mỗi khi gặp, lúc nào cũng đong đầy tiếng cười và đầy ắp tình thương. Trong nhiều câu chuyện vui, không ít nhà văn đồng nghiệp thích kể lại những ngây thơ hồn nhiên như thể có trải nghiệm qua bao nhiêu thì vẫn là lần đầu của nhà văn Trần Thị Trường, dù những trang văn cô viết, lại đong đầy những cảm thông thân phận buồn khổ đàn bà.
“Phụ nữ châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng luôn luôn bị chi phối bởi các quy tắc do đàn ông đặt ra. Với những quy tắc đó phụ nữ luôn bị xăm soi, xét nét không chỉ bởi đàn ông mà toàn xã hội. Đàn bà cũng xét nét lẫn nhau bởi cái quy tắc kia, nhất là vào cái thời tôi còn trẻ. Đàn ông ngược đãi vợ, đàn bà không thể thoát ra, nếu thoát ra, đàn bà mang tiếng xấu. Đàn ông hiển nhiên coi việc giúp đỡ vợ là hèn, coi việc chỉ biết một đàn bà là ngu, coi việc về nhà đúng giờ là bám váy vợ như cái thời đàn ông đi làm nuôi cả nhà, đàn bà chỉ nội trợ. Nhưng đàn bà thời tôi sống, phải đi làm, phải kiếm tiền nuôi sống mình và nuôi con, thậm chí nuôi chồng… Còn chồng uống rượu, hút thuốc, đá bóng… không sao, đàn bà chỉ một chút hưởng thụ là bị lên án, là bị nhìn bằng con mắt khác… Tôi xót thương những thân phận như thế, chứ không chỉ là góc nhìn từ chính cuộc đời tôi, - nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ, khi tôi hỏi vì sao cô lựa chọn đề tài về phụ nữ trong suốt hành trình sáng tác.-Tôi không cổ vũ đàn bà sống khác với bản tính thiên phú, mà tôi muốn đàn ông hãy liều liệu. Bắt nạt vợ, không chia sẻ mọi vấn đề gia đình với vợ, không yêu thương vợ như một con người giống mình mà chỉ là vật sở hữu thì sớm muộn cũng chỉ nhận được sự chán ghét, coi thường của vợ. Thời chúng tôi có những cặp vợ chồng không ly dị, nhưng chả có hạnh phúc chung, mỗi người theo đuổi những niềm vui thầm kín. Và bây giờ nhiều người đàn bà nuôi con một mình họ sống rất hạnh phúc với tài năng của họ. Đàn ông ơi, hãy hiểu đi! Đó là thông điệp của tôi”.
Nhìn lại các tác phẩm đã viết, nhà văn Trần Thị Trường nói, cô vẫn xúc động khi đọc lại cuốn đầu tay “Lời cuối cho em”, cùng một số truyện ngắn khác như “Thị Lộ”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, “Nô tỳ được trang sức”…
Còn với tiểu thuyết “Kẻ mắc chứng điên” (NXB Hội Nhà văn, 1991), nhiều bạn bè của cô vẫn thuộc từng câu thoại trong đó. Nhưng với nhà văn Trần Thị Trường, đây là cuốn “có vẻ như bị lãng quên”. “Tôi viết trong tình trạng mơ hồ về mọi điều, chỉ có bản năng dẫn dắt. Lúc đó, tôi còn đang ngây ngất với thành công của “Lời cuối cho em” (1990), cho nên có thể nói “Kẻ mắc chứng điên” chưa được đầu tư đủ tài năng cho ý tưởng ban đầu của tôi - miêu tả một xã hội lộn xộn, cá nhân trong xã hội đó bị xé nát”… Nhà văn Trần Thị Trường là một người phụ nữ tháo vát, làm rất nhiều nghề. Dù vậy, tên cô vẫn luôn gánh liền với danh từ “nhà văn” qua những tác phẩm mà cô đã đóng góp.
Nhà văn Trần Thị Trường kể lại về con đường văn chương của cô: “Ngay từ khi còn nhỏ, có một ông thày tướng đến chơi với anh trai tôi, có nói “chú tặng cháu câu này, giời giao việc khó cho người biết, cháu sẽ là con người vất vả”. Tôi không hiểu lắm, nhưng ghi vào sổ. Sau này, tôi thấm thía, việc gì cũng đến tay. Có việc buộc phải làm, nhiều việc tự mình gánh lấy, tự mình nhận lãnh trách nhiệm. Nhiều người bảo số đã thế thì phải thế, khi còn trẻ cũng nghĩ thế. Có lúc cũng oán số phận, nhưng khi trưởng thành lại thấy, nhờ thế mà mình có nhiều kinh nghiệm sống, nhờ thế mà mình biết được giá trị của hạnh phúc… Tôi đã từng làm đủ thứ: từ thợ may thời may vỏ chăn, lộn cổ sơ mi đến thời người ta mặc hàng hiệu tôi vẫn có thể may những thứ tương tự cho mình và bạn bè. Tôi đã từng học nghề hàn, học tiếng Nga để đủ cáng đáng việc phiên dịch trong một nhà máy có công nhân hàn của Việt Nam tại Bulgaria (từ tiếng Nga sang tiếng Bulgaria rất dễ), hai nghề đó nuôi sống tôi và gia đình tôi bốn miệng ăn vượt qua được thời kỳ bao cấp khốn khổ nhất… Nhưng đôi khi vất vả cực nhọc lại khiến cho người ta kiên nhẫn để nuôi ước mơ cho chín mùi. Tôi viết “Lời cuối cho em” khi đã 39 tuổi. Cái mơ ước văn học nghệ thuật nó giúp tôi lặn lội trong khốn khó mà không thấy khốn khó, cứ như thể nó là một màng bọc để khốn khó không làm tổn hại được tâm hồn”.
Nhìn lại những trải nghiệm đã qua, nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: “Cũng như mọi người phụ nữ Việt Nam, tôi luôn vất vả không chỉ việc lo việc gia đình, mà còn là người kiếm tiền chính trong gia đình. Chồng tôi là họa sĩ nhà điêu khắc, thời kỳ sáng tạo rực rỡ nhất của ông lại rơi vào tình trạng xã hội phân biệt thành phần tôn giáo, toàn bộ sáng tạo của ông không được đón nhận, sử dụng. Tôi không chỉ nuôi con theo cách thông thường, tôi muốn các con được chuẩn bị một khả năng tốt nhất để không bị nhấn chìm trong một xã hội nếu vẫn còn phân biệt thành phần mà không tôn trọng tài năng con người. Các con không chỉ học các chương trình phổ thông, chúng được hướng dẫn trau dồi các kỹ năng cộng với sử dụng tốt ngoại ngữ để có thể làm việc trong một thế giới rộng lớn hơn. Khi gia đình chúng tôi vượt thoát khỏi sự khốn khó, tôi còn gặp phải tình trạng phân biệt bằng cấp. Tôi làm báo viết văn mà không được đào tạo những nghề đó, nên tôi phải cố gắng rất nhiều mới tồn tại được với nghề. Tuy nhiên, với nghề văn bằng cấp chỉ là nấc đầu tiên, kinh nghiệm sống sẽ cho ta khả năng quan sát và đúc kết, trí tưởng tượng và khả năng suy ngẫm sẽ cho ta một tư tưởng. Viết văn cần những nấc như thế, và tôi chạm tới nghề. Sự kiên nhẫn luôn đem đến cho người những điều tưởng như không thể với tới”.
Thời gian này, nhà văn Trần Thị Trường khi rảnh rỗi lại quay về giá vẽ. Cô cảm xúc với những gam trầm buồn, vẽ từ bên trong những u hoài… khác hẳn với niềm vui tươi sáng bên ngoài. Tôi hỏi cô, vì sao khi còn thanh xuân, cô không theo đuổi hội họa thay vì vùi đầu vào nhọc mệt chữ nghĩa văn chương, cô nhẹ nhàng nói: “Thời của tôi, quả không nhiều phụ nữ thi Mỹ thuật, không chỉ vì đây là một nghề quá khó, với tính sáng tạo cao nó không dành cho sự hời hợt, nó đòi hỏi toàn tâm toàn trí cộng với năng khiếu bẩm sinh. Tôi mới chỉ có một. Với gánh nặng gia đình, chồng tôi đã dồn sức vào đó, tôi không thể theo đuổi ước mơ đó, mặc dù các thầy rất khuyến khích” .
Nhà văn Trần Thị Trường vẫn đùa với mọi người, cô là người rất dễ bằng lòng với bản thân. “Qua thời khốn khó, khi đã có chỗ ở, các con đã có công ăn việc làm, gia đình riêng của chúng hạnh phúc, tôi đã cho rằng mình không còn muốn gì hơn. Ngoài giờ đi làm, tôi dành thời gian tâm trí cho đọc sách. Tôi rất thích đọc sách Luật. Nhà văn cũng giống như luật sư phải am hiểu con người và xã hội để hiểu được điều đã xảy ra và làm thế nào để tương lai không rơi vào vết xe đổ, và trong đó mỗi số phận không bị phán xét oan trái”.
Cùng với vẽ, nhà văn Trần Thị Trường vẫn duy trì việc viết. “Có thể cuốn tiểu thuyết khá dày của tôi, viết trong 10 năm, sắp ra mắt. Thi thoảng thôi vẫn may, thêu và mang giá ra vẽ sơn dầu. Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan, tôi luôn luôn khấp khởi như hồi trẻ vì không biết phác thảo có thành một bức tranh treo được trước mắt hay không, giống như hồi trẻ đi gặp một người, không biết người đó có thực lòng yêu mình hay không? Cảm giác đó thật tuyệt”.
Công việc thú vị mà nhà văn Trần Thị Trường đang song song làm là làm việc cùng nhạc sĩ Dương Thụ với chuyên mục Phim hàng tuần ở Cà phê thứ Bảy: “Sau thời gian làm việc ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, một công việc khiến tư duy Luật của tôi được phát huy, lại thường xuyên có điều kiện được hưởng thụ âm nhạc - điều mà tôi cũng đam mê không kém văn học và hội họa. Tôi rất hài lòng. Nhưng rồi, tôi muốn dành thời gian còn lại của mình cho hội họa và văn học nên tôi đã nghỉ đi làm cả tuần ở đó, tôi về làm với nhạc sĩ Dương Thụ ở Cà phê thứ Bảy với chuyên mục Phim hằng tuần. Tôi cũng muốn thể hiện khả năng diễn thuyết, nên đảm nhận vai trò MC, dẫn chương trình, bình luận phim. Và dường như… thích hợp. Tôi rất vui khi mỗi tuần đi xe máy từ nhà ở Phùng Khoang, cách 7 km, vào nơi làm việc tận hưởng không khí phố cổ Hà Nội, nơi ký ức thuở xa xưa, ngày còn bé tôi được sống lại”…