Bắt đầu từ gia đình

Cẩm Thúy 28/06/2019 08:00

Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 2019 là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Có lẽ, ứng xử trong mỗi gia đình theo nếp cổ truyền của gia đình Việt đã mai một qua nhiều thập kỷ. Trong khi chúng ta nói nhiều về xây dựng và hình thành nhân cách con người, thì nó không ở đâu xa, những kỹ năng cơ bản nhất để làm người phải bắt đầu trong mỗi gia đình.

Bắt đầu từ gia đình

Gia đình vẫn mãi tồn tại với ý nghĩa là nơi đầu tiên xây dựng nhân cách con người Ảnh: T.L.

Nền kinh tế phát triển, xu thế toàn cầu hoá và sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt gia đình Việt Nam trước những thách thức không dễ giải quyết. Có một người bạn tôi có lần bảo: Có lẽ không khó để hình dung về một bữa cơm tối trong các gia đình ở đô thị hiện nay khi nhìn số lượng đàn ông trong các quán bia vào buổi tối. Có bao nhiêu ông bố còn ngồi chém gió vào giờ đó là có bấy nhiêu bữa cơm gia đình thiếu người đàn ông. Trong một xã hội ai cũng bận rộn thì cảm giác thiếu thốn về thời gian đã và đang ảnh hưởng đến sự sum vầy, sự gắn kết của các thành viên trong một gia đình. Ngày càng nhiều hơn những bữa cơm phải chờ đợi nhau như con đợi bố mẹ, vợ đợi chồng. Lại cũng có một tình cảnh nữa trong các gia đình thời hiện đại, ngay cả khi bữa ăn có đủ thành viên, nghĩa là có khi người ta ngồi chung một bàn ăn mà vẫn không kết nối được với nhau. Bởi vì mỗi người sử dụng một công cụ công nghệ thông minh để kết nối với ở đâu đó, có khi là trong thế giới ảo của mình… thay cho việc cùng trò chuyện với nhau.

Ngần ấy năm trong vòng xoay của kinh tế thị trường, sự thống trị của vật chất đã làm tan nát không ít gia đình Việt. Người thân kiện nhau ra tòa, chém giết nhau vì phân chia tài sản không còn là xa lạ nữa. Nhưng có một thứ âm ỉ khác, không dễ nhìn thấy như tiền bạc, song sức công phá ghê gớm hơn nhiều là chủ nghĩa thực dụng và hưởng thụ, lối sống bất chấp đã lung lay tới tận mỗi gia đình Việt.

Tất nhiên, sự phát triển của xã hội trong đó yêu cầu đề cao cá nhân, giải phóng con người khỏi những lệ thuộc, lề thói phong kiến, là bước tiến bộ. Nhưng cũng không thể phủ nhận, sự quá đà của chủ nghĩa cá nhân đã làm lỏng lẻo kết cấu truyền thống của gia đình Việt.

Cho đến thời điểm này, người ta không còn phải quá băn khoăn về mô hình gia đình nữa. Gia đình hạt nhân hay gia đình truyền thống theo kiểu tam tứ đại đồng đường, cha mẹ ở nhà dưỡng lão hay con cái bắt buộc phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ cũng không còn là vấn đề phải gây tranh cãi nhiều. Bởi vì đã đến lúc có những thứ phải tất yếu xảy ra trong một xã hội ngày càng theo xu hướng hiện đại và hội nhập. Nhưng rồi trải qua ngần ấy năm, chúng ta đang được gì và mất gì? Chúng ta đang ở đâu và có lúc nào chúng ta dừng lại để tự vấn rằng: Rồi có lúc tâm hồn chúng ta trở nên rách nát mà không còn nơi bám víu, bởi vì gia đình nói như một nhà văn, là nơi “cuối cùng để bảo vệ phẩm giá”…

Cho dù có phát triển đến đâu thì vẫn phải khẳng định rằng những giá trị nền tảng của gia đình là bất biến, chỉ có điều là chúng ta làm thế nào cho nó phù hợp hơn với đời sống xã hội hiện đại hôm nay.

Gia đình vẫn mãi tồn tại với ý nghĩa là nơi đầu tiên xây dựng nhân cách con người, từ giáo dục đạo đức, lối sống và những kỹ năng cơ bản nhất. Ứng xử trong mỗi gia đình quyết định phần lớn đến văn hóa và đạo đức xã hội theo nghĩa vừa là xây dựng một thế hệ trẻ lớn lên vừa là sự tác động trực tiếp vào xã hội. Không thể không nói rằng trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với con trẻ đang lơi lỏng và có phần phó mặc cho nhà trường, xã hội. Đạo đức và phẩm chất xã hội xuống cấp có phải đang bắt đầu từ mỗi gia đình không? Cũng giống như xã hội, ý nghĩa nêu gương của bố mẹ trong gia đình là cực kỳ quan trọng.

Mỗi mùa hè đến, nhiều gia đình ở thành phố đổ xô cho con đi học lớp kỹ năng sống như một xu hướng thời thượng nhưng không có kỹ năng sống nào lại có thể được hình thành chỉ trong một vài tuần lễ.

Bão táp của ma túy, của công nghệ thông tin, không chỉ đến với riêng trẻ con mà cả người lớn cũng đang phải đối mặt. Nhưng cũng đừng vì thế mà đổ cho lỗi khách quan rằng tại công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế làm cho gia đình Việt Nam biến dạng, mất đi những nền tảng tốt đẹp như sự thương yêu đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau, chị ngã em nâng, tinh thần vị tha, chia sẻ …

Và chúng ta tin rằng trong dòng chảy chung, sau nhiều thập kỷ chung chiêng, trong mỗi gia đình Việt vẫn còn lòng hiếu thảo và sự yêu thương – những giá trị cốt lõi nhất để hình thành và níu giữ phẩm chất làm người. Gia đình thời nay vừa từ trong những giá trị nhân bản dân tộc hòa trộn cùng tinh hoa thời hiện đại mà thành để tiến tới văn minh mà vẫn gắn kết. Không khư khư giữ lấy những truyền thống không còn phù hợp, mà với điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội hiện nay, có nhiều thứ muốn giữ cũng không được nữa. Nhưng có những giá trị vẫn trường tồn trong mỗi gia đình Việt Nam thời hiện đại. Chúng ta phải làm gì để vượt qua những thách thức của thời hiện đại nếu không phải là việc giữ lấy những nền tảng gia đình, để nhờ đó mà hình thành nền tảng xã hội.

Cẩm Thúy