Hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi
Để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn khôi phục và ổn định sản xuất chăn nuôi, nhiều tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các quận, huyện trích ngân sách từ nguồn Quỹ dự phòng khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi cho người dân bị thiệt hại do dịch.
Hỗ trợ các hộ dân xã Mường Giàng (Sơn La) có lợn tiêu hủy do dịch.
Tại Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 5 xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang, Chiềng Khay và Cà Nàng. Huyện đã chỉ đạo tiêu hủy 481 con lợn với trọng lượng 15.852 kg; bố trí 130 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để mua vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng thời, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 64 hộ chăn nuôi ở bản Pom Bẹ, xã Mường Giàng có 273 con lợn đã tiêu hủy (trọng lượng 8.550 kg) với số tiền 644.826.000 đồng. Hiện nay, Quỳnh Nhai đang tiếp tục lập hồ sơ hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy tại các xã còn lại.
Quỳnh Nhai hiện đã ban hành mức hỗ trợ tiền tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi với đơn giá cụ thể theo từng khu vực và từng xã. Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, từ ngày 14/3 đến ngày 11/4/2019, địa phương đã xảy ra 10 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 5 xã.
Sau khi dịch tả lợn xảy ra trên địa bàn, huyện đã kịp thời thành lập hội đồng tiêu hủy và tổ chức thống kê, rà soát các hộ chăn nuôi để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân. Đến thời điểm này, huyện đã hỗ trợ gần 645 triệu đồng cho nhân dân bản Pom Bẹ, xã Mường Giàng. Còn tại địa bàn các xã khác, huyện sẽ sớm hỗ trợ những hộ có lợn dịch bệnh tiêu hủy.
Tại Lâm Đồng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, tính đến thời điểm từ khi phát hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi (21/6) đến nay, số lợn mắc bệnh của tỉnh đã lên tới 191 con trong tổng đàn hơn 5.000 con của 17 hộ ở 4 thôn trên địa bàn xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng. Riêng trong ngày 26/6 đã có 85 con ở 10 hộ bị chết, 83 con đã được tiêu hủy.
Trước tình hình này, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh với tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc”.
Theo ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1520 ngày 20/3/2019 và nhiều văn bản khác chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách triển khai việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tuy vậy, qua việc kiểm tra của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chưa tốt, còn có biểu hiện chủ quan trong phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Qua thực tế trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh; tiếp tục triển khai đồng bộ thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.
UBND các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc nắm chắc số lượng trang trại và tổng đàn lợn trên địa bàn từng thôn, khu phố của từng xã, thị trấn; tiếp tục thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng về phòng chống dịch bệnh cũng như chính sách hỗ trợ đến các hộ, trang trại chăn nuôi; chủ động chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; khi có dịch bệnh xảy ra thì có phương án tổ chức tiêu huy kịp thời, đảm bảo yêu cầu không để lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Cụ thể đối với các trang trại có số lượng lợn ít thì tiến hành tiêu hủy tại vườn của trang trại theo đúng quy trình kỹ thuật để giảm nguy cơ lây lan. Các trang trại lớn thì tiến hành tiêu hủy, chôn lấp tập trung tại địa điểm do UBND huyện, thành phố quyết định…
Tại Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ thị các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện ngay việc phát động Chiến dịch toàn dân phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh từ nay đến hết năm 2019. Cao điểm của chiến dịch từ ngày 1/6/2019 đến ngày 2/9/2019.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp dưới triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt theo các quy định về quản lý dịch bệnh; chỉ đạo có giải pháp tích cực nhất cho việc tiêu thụ lợn sống không bị bệnh của các hộ gia đình và các chủ trang trại. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại địa phương giảm bớt các cuộc họp, hội nghị, hoạt động gặp gỡ, giải trí và giảm thành phần dự họp để dành thời gian chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Trọng tâm là tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, nhất là đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, hiện nay là thời điểm nước lên sau mưa và phục vụ gieo cấy lúa vụ mùa, do đó các huyện, thành phố cần tiếp tục rà soát các kênh mương, phát hiện và xử lý kịp thời xác động vật, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, cả nước có 60 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi với số lượng tiêu hủy hơn 2,83 triệu con.