192.000 hộ dân hưởng lợi từ dự án giảm nghèo

Minh Hà 28/06/2019 08:00

Sáng 27/6 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2. Chủ trì Hội nghị gồm ông Nguyễn Văn Hiếu- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Achim Fock- Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cùng đại diện các ban điều phối dự án đến từ 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 - 2018 được thực hiện tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án huy động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 250 triệu USD, gồm 150 triệu USD cho giai đoạn 2 (2010 – 2015) và 100 triệu USD cho giai đoạn vay bổ sung (AF - 2015 - 2018). Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 25 triệu USD.

Dự án được thực hiện theo phương pháp tiếp cận “lấy cộng đồng làm định hướng”, được thiết kế với các hợp phần và can thiệp ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau, bao gồm cải thiện tiếp cận kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, phát triển sinh kế bền vững cho người dân nhằm phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế đa dạng, tăng thêm việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Dự án can thiệp đến 192.000 hộ của 259 xã (trong đó trên 98.500 hộ nghèo) với trên 732.500 lượt hưởng lợi trực tiếp; hoàn thiện 7.861 công trình cở sở hạ tầng gồm: Xây mới và cải tạo tại 2.594 thôn bản, gần 4.000 công trình đường giao thông với 3844km đường, 1.335 công trình thủy lợi phục vụ trên 16.000 ha sản xuất… Đáng chú ý, Dự án đã tạo hơn 18.000 hoạt động sinh kế cho 222.000 hộ hưởng lợi và có trên 62.000 lượt nông dân được cung cấp kiến thức, kỹ thuật sản xuất và kỹ năng xã hội khác…

Bà Nguyễn Thị Thu Lan - đại diện Ngân hàng Thế giới đồng thời là chủ nhiệm dự án cho biết: “Tất cả các dự án WB tài trợ đều chọn cách tiếp cận tạo cho người dân ở thế chủ động trong tự tổ chức sản xuất, gắn kết thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập và đa dạng nguồn thu nhập. Thông qua các dự án giảm nghèo, WB đặt kỳ vọng các cách làm hay được thể chế hóa và nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêp giúp Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững”.

Từ việc được dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc tạo “sức bật” cho cộng đồng vươn lên thoát nghèo, các nhóm cùng sở thích sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau duy trì sinh kế, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững ngay khi dự án này kết thúc.

Minh Hà