Dành nhiều nguồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc
Những năm qua, công tác dân tộc và phát triển kinh tế vùng đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được TP Hà Nội quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc miền núi của Thủ đô có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống của người ngày càng được nâng cao.
Đồng bào Mường ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: TL.
Trong năm 2018, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã được thực hiện thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS được giữ vững, ổn định. Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS của thành phố đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, thành phố có 7/14 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được triển khai hiệu quả, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng. Công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS miền núi luôn được quan tâm đầu tư, thực hiện tốt chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan vừa rà soát các chính sách giáo dục - đào tạo, y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện trong giai đoạn 2016-2018. Theo đó, chính sách về y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc được quan tâm đẩy mạnh. Mạng lưới y tế cơ sở của thành phố Hà Nội đã phát triển với 13 bệnh viện đa khoa huyện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 53 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh, 584 trạm y tế xã, phường, trong đó có 3 phòng khám đa khoa và 14 trạm y tế của 14 xã nằm trên địa bàn các xã dân tộc miền núi.
Hiện nay, 14/14 xã dân tộc miền núi đều được bố trí đủ cán bộ y tế; tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình y tế theo quy định như chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh xã hội, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ trẻ em... Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện vùng đồng bào dân tộc được đầu tư về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân. Công tác khám chữa bệnh tại tuyến trạm y tế xã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.
Công tác dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến nay, 14/14 xã dân tộc miền núi đạt tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ Y tế. 100% số người nghèo, cận nghèo và 100% người dân ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…
Công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi luôn được thành phố Hà Nội coi trọng. Vì vậy, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Thành phố đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh theo quy định của Chính phủ. Hằng năm, thành phố đều có chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề, thực hiện một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học. Trường Dân tộc nội trú Ba Vì từ tháng 7/2018, thực hiện cấp học bổng cho 100% học sinh dân tộc nội trú (theo mức 80% của 1.390.000 đồng/tháng) từ ngân sách thành phố. Và đặc biệt là từ năm 2016-2018, thành phố đã hỗ trợ ăn trưa cho 6.341 trẻ mẫu giáo với gần 5,8 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.