Gỡ khó cho diêm dân

Nguyễn Nam 28/06/2019 15:00

Trước đây, nhiều diêm dân sống tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã thoát nghèo nhờ làm muối, nhưng những năm gần đây giá muối trên thị trường xuống thấp (từ 2.000 - 2.300 đồng/kg và thu nhập bình quân chỉ từ 5 - 6 triệu đồng/người/năm) và chính điều này khiến nhiều diêm dân phải bỏ hoang ruộng muối để đi tìm việc khác mưu sinh.

Gỡ khó cho diêm dân

Đời sống người làm muối vẫn gặp nhiều khó khăn.

Xã Hải Châu là địa phương có 72 ha diện tích sản xuất muối; trong đó, diện tích đang sản xuất là 25 ha, số còn lại bị bỏ hoang. Theo người dân, nghề muối đã gắn bó với các hộ dân trong xã hàng chục năm qua và để làm ra hạt muối trắng nhiều diêm dân phải phơi người dưới cái nắng nóng gay gắt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây giá muối xuống thấp, nhiều người dân đã bỏ hoang ruộng muối để đi làm nghề khác. Số lao động đang còn độ tuổi đã xin vào làm công nhân tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, hiện chỉ còn lại người già và phụ nữ tiếp tục làm muối.

Ông Nguyễn Văn Huế, thôn Yên Châu, xã Hải Châu cho hay, ngày trước làm nghề muối còn đủ ăn, nhưng vài năm gần đây giá muối xuống quá thấp, người dân chỉ thu nhập được 6 triệu/năm nên nhiều thanh niên đã bỏ nghề, bỏ hoang đồng muối để đi làm nghề khác mưu sinh.

Còn tại xã Hải Bình, trước đây tổng diện tích đất sản xuất muối của xã là trên 90 ha. Năm 2017, Nhà nước đã thu hồi trên 60 ha, còn lại hơn 30 ha diện tích làm muối với khoảng 614 hộ dân làm nghề. Tuy nhiên, sau khi có các công trình đầu tư thi công khu tái định cư, đường Bắc Nam và một số công trình khác đã làm đồng muối bị ảnh hưởng.

Ông Trương Công Duyệt, thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình chia sẻ, thời gian gần đây tôi không còn làm muối vì đất ruộng muối bị ảnh hưởng do công trình và dự án. Cả cánh đồng muối không thể sản xuất được vì không có nguồn nước phục vụ sản xuất. Sau khi ngừng sản xuất muối, nhiều hộ dân trong độ tuổi lao động đã đi làm công nhân các khu công nghiệp hoặc làm nghề khác.

Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết, hàng năm tỉnh hỗ trợ về sản xuất cho các hộ diêm dân với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ 3 triệu đồng/năm. Đối với diện tích đất làm muối không sản xuất được do ảnh hưởng bởi các dự án tái định cư, làm đường giao thông..., UBND xã đã đề nghị các cấp có thẩm quyền kêu gọi các nhà đầu tư sớm thu hồi toàn bộ diện tích đất để các hộ dân nhận tiền đền bù, chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, định hướng cho nhân dân trong độ tuổi từ 48 trở lên làm các nghề như: thợ xây, thợ mộc, chế biến thủy hải sản...

Hiện nay, huyện Tĩnh Gia chỉ còn xã Hải Châu còn làm muối với 725 hộ và 1.560 lao động. Không chỉ huyện Tĩnh Gia, tại huyện Hậu Lộc cũng đang còn khoảng 121,9 ha diện tích đất sản xuất muối tại 2 xã Hải Lộc và Hòa Lộc; trong đó cũng có nhiều diện tích đất làm muối đang bị người dân bỏ hoang.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa), tổng diện tích làm muối trên địa bàn tỉnh nằm tại 2 huyện Hậu Lộc và Tĩnh Gia là 193,9 ha với 1.825 hộ sản xuất muối, sản lượng muối 5 tháng đầu năm đạt 4.630 tấn. Hiện cơ sở hạ tầng làm muối đã xuống cấp, giếng làm muối cũng hư hỏng, trong khi lao động sản xuất muối chủ yếu là nữ và người già nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nhiều diêm dân lại không có nghề phụ nên cuộc sống đang rất khó khăn.
Ông Đặng Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, theo quy hoạch tổng thể nông nghiệp của tỉnh, sau năm 2020 tỉnh Thanh Hóa sẽ chuyển dịch toàn bộ diện tích muối sang nuôi trồng thủy sản.

Nguyễn Nam