G20: Các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung Osaka về kinh tế số
Các nguyên thủ và lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời đã có hai phiên thảo luận chuyên đề cùng với một sự kiện bên lề về kinh tế số.
Các nhà lãnh đạo G20 đã có cuộc họp đặc biệt đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số. (Ảnh: TTXVN phát).
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, các nguyên thủ và lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời đã có hai phiên thảo luận chuyên đề cùng với một sự kiện bên lề về kinh tế số.
Trong phiên họp đầu tiên về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, các nhà lãnh đạo G20 đã đánh giá về tình hình kinh tế thế giới hiện nay.
Nhiều nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và coi đây là một nguy cơ dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cùng với các căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí về “tính cấp bách và tầm quan trọng” của việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về môi trường thương mại hiện nay.
Ông cho rằng một nền kinh tế mở và tự do là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng. Quan ngại và sự bất mãn về những thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa gây ra đã dẫn tới những cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ và các xung đột nghiêm trọng giữa các nước.
Tuy nhiên, việc trao đi đổi lại các biện pháp hạn chế thương mại không có lợi cho bất cứ quốc gia nào.
Vì vậy, theo ông Abe, G20 cần phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do, công bằng và không có sự phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, Nhật Bản muốn G20 tăng thêm động lực cho việc cải tổ WTO.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị G20 ở thành phố Osaka ngày 28/6. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Mặt khác, Thủ tướng Abe cũng lưu ý về các rủi ro của suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi G20 sử dụng tất cả các công cụ chính sách để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu.
Tại sự kiện bên lề về kinh tế số, các đại biểu đã thống nhất khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số và việc cần thiết phải xây dựng những quy tắc chung, đồng thời thông qua Tuyên bố chung Osaka về nền kinh tế số.
Theo đó, các nhà lãnh đạo G20 cùng với 8 quốc gia khách mời "đã chia sẻ quan điểm rằng số hóa đang làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và xã hội chúng ta, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả số hóa sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội ở tất cả các nước.
Tuyên bố chung khẳng định 20 nền kinh tế thành viên G20 và 8 nền kinh tế khách mời, cùng với các thành viên khác của WTO tham gia vào Tuyên bố chung về Thương mại Điện tử thông qua tại Davos ngày 25/1/2019 tuyên bố khởi động Osaka Track, một quá trình thể hiện cam kết của các nước này trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận chính sách về việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong khuôn khổ WTO về các khía cạnh thương mại của thương mại điện tử.
Phát biểu tại cuộc thảo luận này, Thủ tướng Abe khẳng định số hóa đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại, không thể thiếu việc xây dựng những quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, thế giới cần khẩn trương xây dựng các quy định liên quan tới giao dịch điện tử và lưu thông dữ liệu. Bên cạnh đó, ông mong muốn các bên đạt được những tiến bộ thực chất về kinh tế số tại Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020.
Cũng trong ngày 28/6, các nhà lãnh đạo đã tham gia phiên thảo luận chuyên đề về đổi mới sáng tạo. Bên lề hội nghị đã diễn ra một loạt các cuộc gặp/tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo G20 và các quốc gia khách mời như cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin... và các cuộc gặp ba bên Nga-Trung-Ấn và Mỹ-Nhật-Ấn.
Ngày làm việc thứ 2 dự kiến sẽ bắt đầu bằng một sự kiện đặc biệt với chủ đề về tăng cường vai trò của phụ nữ.
Tại đó, một số các tổ chức liên quan sẽ đệ trình các đề xuất liên quan tới việc trao quyền cho phụ nữ lên các nguyên thủ/lãnh đạo G20. Sau đó, các đại biểu sẽ tham gia hai phiên họp liên tiếp về các chủ đề: Phát triển bền vững; Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng.