Cảnh giác với chiêu lừa đảo thi tiếng Hàn
Tháng 7 tới đây sẽ diễn ra kỳ thi tiếng Hàn trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Từ kết quả của kỳ thi này, Bộ LĐTB&XH sẽ tuyển chọn 2.600 lao động ngành ngư nghiệp, 1.000 lao động ngành sản xuất chế tạo và 300 lao động ngành xây dựng đi làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số cá nhân từng đi lao động ở Hàn Quốc trở về địa phương đã nhân cơ hội này để lừa đảo người lao động.
Người lao động cần cảnh giác với hứa hẹn tác động vào kết quả thi tiếng Hàn.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, từ năm 2019, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) sẽ áp dụng phương thức tính điểm thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, năng lực để tuyển chọn lao động tham gia Chương trình EPS. Không chỉ thi tiếng Hàn như mọi năm, phương thức tính điểm mới sẽ nâng cao khả năng đánh giá năng lực người lao động thông qua việc kiểm tra trình độ tay nghề, thể chất và kinh nghiệm làm việc.
Theo đó năm nay, người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, bao gồm vòng 1 thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) và vòng 2 là kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Chỉ những người đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Ông Phạm Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay có không ít thông tin về việc có thể giúp người lao động đi Hàn Quốc làm việc mà không phải thi tiếng Hàn hoặc giúp các ứng viên vượt qua được kỳ thi tiếng Hàn sắp tới. “Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định không ai có thể tác động được vào kết quả kỳ thi tới đây và trước các thông tin này, các ứng viên phải cảnh giác. Tất cả những người vi phạm quy chế thi tuyển EPS sẽ bị cấm thi trong 3 năm tiếp theo. Tại các điểm thi sẽ có các lực lượng chức năng, thanh tra Bộ LĐTB&XH, lực lượng công an, sự giám sát từ phía cơ quan Hàn Quốc để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc nhất”, ông Liêm nhấn mạnh.
Thời gian gần đây ở nhiều địa phương xuất hiện đường dây môi giới đưa lao động đi làm việc Hàn Quốc. Để thuyết phục khách hàng, nhiều công ty môi giới cho biết, hiện để đưa người lao động sang Hàn Quốc bằng con đường chính thống rất khó khăn. Vì thế, công ty hứa đưa lao động đi bằng visa thương mại (được lưu trú tại Hàn Quốc 30 ngày). Sau khi sang sẽ có công ty của Hàn Quốc tiếp nhận và đổi thành visa lao động dài hạn. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đi bằng visa thương mại sau đó đổi thành visa dài hạn là điều không thể thực hiện được.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện chỉ có 3 hình thức đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Thứ nhất là chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS, visa E9). Thứ hai là chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá và Chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7). Ngoài ra, từ năm 2018 Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa hai địa phương hai nước. Do đó, nếu doanh nghiệp nhận đưa lao động sang Hàn Quốc bằng các loại hình khác như: Đi bằng visa du lịch, hay dạng vừa học, vừa làm là không đúng quy định.
“Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được giao thực hiện chương trình, không một tổ chức hay cá nhân nào được phép tham gia vào các quy trình phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, theo chương trình EPS. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH khuyến cáo người lao động cần lưu ý và phòng tránh những hành vi lừa đảo”, ông Liêm cảnh báo.