Hội nghị thượng đỉnh G20: Hy vọng tìm được tiếng nói chung
Lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 đã bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Osaka, Nhật Bản hôm 28/6, được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất năm. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khai mạc Hội nghị được cho là sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: Reuters).
Dù Hội nghị tập trung vào các vấn đề gai góc, nhưng bầu không khí trước lúc khai mại lại rất thân thiện, nhiều nụ cười trên gương mặt các nhà lãnh đạo tới tham dự, và họ cùng nhau chụp một “bức ảnh gia đình” truyền thống. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - dù đang vướng vào bất đồng thương mại - cũng có cú bắt tay thân thiện trước khi chụp ảnh.
Khi các nhà lãnh đạo bước vào phiên thảo luận đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn nghiêng mình thì thầm điều gì đó vào tai ông Trump, cố gắng kín đáo nhất có thể. Được biết, phiên họp đầu tiên sẽ tập trung vào nền kinh tế số, với các mối quan ngại liên quan tới tính tiêng tư và an ninh.
“Quá trình số hóa đã nhanh chóng làm thay đổi vô số khía cạnh của xã hội và nền kinh tế” -Thủ tướng Abe phát biểu khai mạc phiên thảo luận - “Tôi rất vui mừng khi thấy được động lực trên toàn cầu đối với kinh tế số”.
Nhưng trong một tín hiệu cho thấy căng thẳng sẽ diễn ra trong các vòng đối thoại, Tổng thống Trump dường như đã đề cập tới quan ngại của ông về vấn đề an ninh bị đe dọa bởi Công ty Viễn thông Trung Quốc Huawei. “Trong lúc chúng ta mở rộng thương mại số, chúng ta cần đảm bảo về an ninh của mạng 5G của chúng ta”- ông Trump nói.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp để cấm Huawei, trong khi lúc mà Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các lệnh cấm trên và mong muốn nối lại các vòng đàm phán giải quyết chiến tranh thương mại. Hội nghị G20 năm nay bị phủ mờ bởi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều nhà quan sát hy vọng rằng lãnh đạo Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại khi họ tổ chức cuộc gặp riêng trong hôm 29/6.
Đình chiến thương mại?
Tổng thống Mỹ trước đó nói rằng Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận bởi nền kinh tế đứng thứ hai thế giới “đang trượt dốc”. Phẫn nộ trước cái mà ông gọi là hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, ông Trump đã áp thuế đối với lượng hàng 200 tỷ USD của nước này, và còn đe dọa áp đặt thêm.
“Các bạn vẫn còn lượng hàng 325 tỷ USD khác mà tôi chưa đánh thuế - và đã đến lúc để áp thuế chúng”- ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business.
Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Washington “bắt nạt” thương mại bằng cách đơn phương áp đặt thuế quan.
Các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã sụp đổ trong tháng 5 vừa qua, gây nên một làn sóng tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Giới chuyên gia tin rằng chỉ có rất ít cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận toàn phần trong Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng hoàn toàn có thể đạt thỏa thuận “ngừng bắn”.
Ông Ebrahim Rahbari- chuyên gia thuộc Hãng CitiFX, dự báo rằng có 60% cơ hội để các nhà lãnh đạo “thống nhất tổ chức các vòng đàm phán mở rộng, từ đó hướng đến mục tiêu cuối cùng là thỏa thuận toàn diện...chứ không thể lập tức đạt được một thỏa thuận ngay”.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, Trung Quốc khó có thể có thỏa thuận nào với Mỹ khi mà Washington chưa gỡ bỏ lệnh cấm nhằm vào Tập đoàn Viễn thông Huawei của họ.
Căng thẳng Trung Đông
Thương mại cũng chỉ là một trong số những vấn đề gai góc trong kỳ thượng đỉnh này, bên cạnh đó còn vấn đề biến đổi khí hậu hay căng thẳng Mỹ - Iran.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay ông muốn thế giới tăng cường cam kết ủng hộ kế hoạch hành động ngăn chặn tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng dường như Mỹ lại rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và dự kiến sẽ không ủng hộ bất cứ tuyên bố chung nào liên quan tới vấn đề này.
Giới chức Nhật nói rằng, họ hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung trong Hội nghị, dù cho ông Macron khẳng định rằng vấn đề biến đổi khí hậu là một “lằn ranh đỏ”. “Việc đạt được thống nhất giữa vô vàn quan điểm khác nhau là điều khó khăn”- một quan chức Nhật thừa nhận.
Sự chú ý cũng đổ dồn vào Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đến Nhật Bản trong hôm thứ Sáu, sau khi bà liên tục bị run lên trong một số sự kiện, làm nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe của bà.
Vấn đề căng thẳng ở Trung Đông cũng dự kiến phủ bóng Hội nghị lần này. Ông Trump nói trước khi lên đường tới Nhật Bản rằng, bất kỳ cuộc chiến nào với Iran “cũng sẽ không kéo dài”. Bình luận trên dường như đi ngược lại ý kiến của một số nhà lãnh đạo nhóm G20. Ông Macron hôm thứ Năm khẳng định rằng: “Không có cuộc chiến nào là ngắn cả”.