Hội nghị thượng đỉnh G20: Đối thoại tốt hơn đối đầu
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 29/6 cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống nhất nối lại các vòng đàm phán thương mại bị trì hoãn, sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 29/6 Nguồn: Reuters.
Thỏa thuận không đánh thuế
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Trung Quốc và Mỹ nên nối lại các cuộc thảo luận về kinh tế và thương mại trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau” - Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo Tân Hoa Xã, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí không áp đặt thêm hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trong khoảng thời gian mà các vòng đàm phán thương mại được tổ chức. Lãnh đạo Mỹ trước đó đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng 325 tỷ USD của Trung Quốc nếu các vòng đàm phán thất bại.
Trước cuộc họp, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã sẵn sàng cho một thỏa thuận “lịch sử” với Trung Quốc khi bắt đầu vòng họp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lúc mà cả thế giới đang chờ đợi xem hai nhà lãnh đạo có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hay không.
Cuộc họp được bắt đầu bằng những tiếng nói đầy tích cực, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Sẽ là lịch sử nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng... Chúng tôi hoàn toàn cởi mở về điều đó”. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “đối thoại” luôn tốt hơn đối đầu sau khi hai bên liên tục áp thuế hàng hóa của nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông kỳ vọng một cuộc họp “có kết quả” cùng lúc cũng cảnh báo rằng ông sẵn sàng áp thuế với tất cả hàng hóa của Trung Quốc nếu không có thỏa thuận nào đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rằng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc Huawei, công ty mà Washington đã ban hành lệnh cấm do quan ngại về an ninh.
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái từ lâu đã phủ bóng mờ Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Osaka, Nhật Bản - cũng bàn về cả các vấn đề nóng hổi khác như biến đổi khí hậu.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho rằng cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump – Chủ tịch Tập Cận Bình là “một cơ hội độc nhất để hai bên tìm thấy điểm chung trong giải quyết căng thẳng thương mại và mang mối quan hệ giữa hai bên trở lại đúng hướng”. Tuy nhiên, bài viết của Tân Hoa Xã cũng cảnh báo rằng Mỹ “cần phải đặt mình vào vị trí ngang bằng với Trung Quốc” và giải quyết “các quan ngại chính đáng của Trung Quốc”.
Giới kinh tế học nhận định rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong thời điểm đang bùng phát nhiều điểm nóng địa chính trị, và Brexit - Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - đang bất định.
Hôm thứ Sáu trong tuần, EU và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur đã hoàn tất một thỏa thuận thương mại sau 20 năm đàm phán, trong đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker ca ngợi thỏa thuận này là “thông điệp mạnh mẽ” trong việc hỗ trợ hoạt động “thương mại dựa trên các nguyên tắc”.
Đấu trí căng thẳng
Chủ tịch Tập Cận Bình đến với Hội nghị G20 năm nay với lòng tin rằng ông sẽ có nhiều đồng minh hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã thắt chặt quan hệ với cả Ấn Độ và Nga, thậm chí cả Nhật Bản cũng đang dần xích lại gần Bắc Kinh, trong khi ở châu Âu, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Italy đều đã ký kết tham gia vào dự án Vành đai và Con đường của mà ông Tập đưa ra.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại liên tục chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu, làm tăng căng thẳng trong mối quan hệ của họ với các nước ở châu Á bằng các chiến thuật thương mại hung bạo. Một đồng minh khác của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, thì đang đối mặt với sự ngờ vực ghê gớm của Washington liên quan tới vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi.
Cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump – Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 là lần đầu tiên mà 2 nhà lãnh đạo gặp gỡ trực diện kể từ sau khi cuộc chiến thương mại tăng nhiệt, và họ sẽ phải gánh trên vai sức ép khổng lồ phải tìm bước đột phá, sau khi các nhà đàm phán hai bên đã thất bại.
“Tôi có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình” - Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hồi đầu tháng - “Chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra. Tôi nghĩ tôi có một cơ hội. Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Họ không thích bị áp thuế”.
Gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là một “người kiệt xuất”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng cả hai người đã có cuộc điện đàm và đang nỗ lực hướng tới một “thỏa thuận tốt và công bằng”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, cả hai nước đều đóng vai trò trong việc “tạo dựng niềm tin và sức sống cho các thị trường toàn cầu”.
Thế nhưng, thông điệp mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra trước kỳ Hội nghị thượng đỉnh G20 lại rất xáo trộn.
Washington đã tạm hoãn một bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence đáng lẽ ra được đưa ra trong tuần này mà trong đó ông sẽ chỉ trích kịch liệt Bắc Kinh. Lý do trì hoãn mà Nhà Trắng đưa ra là do “tiến trình đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình”. Cùng thời điểm, hôm thứ Sáu, 5 công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ, khiến các công ty này khó làm ăn với các công ty Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng đưa ra những động thái lúc “nóng” lúc “lạnh”. Phát biểu trong một cuộc thông báo vắn hôm đầu tuần, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, một trong những nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Bắc Kinh, nói rằng Mỹ và Trung Quốc “nên nhương bộ lẫn nhau và thỏa hiệp”.
Trong một bài xã luận đăng tải hôm đầu tuần này, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) nói suy nghĩ cho rằng Trung Quốc nên đưa ra thêm nhượng bộ là “nực cười và khờ khạo”.
“Đằng sau tranh chấp thương mại chính là dự định chặn đà phát triển Trung Quốc của Mỹ” - bài xã luận có đoạn - “Mỹ muốn trở thành lãnh đạo vĩnh cửu của thế giới, và không có đường nào để Trung Quốc tránh “bão tố” bằng cách nhượng bộ cả”.
Đe dọa và hứa hẹn
Chỉ riêng việc Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ ra rằng ông có thứ gì đó để đề xuất - nhằm giảm nhiệt tranh chấp thương mại.
Cũng có khả năng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đến với cuộc gặp này trong khi ông không hề mong muốn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp thuế đối với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không gặp gỡ ông, khiến cho Bắc Kinh đưa ra phản ứng: “Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng chúng tôi cũng không ngại chiến đấu”.
Chiến lược đe dọa, bắt nạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có hiệu quả trong việc đảm bảo một cuộc gặp diễn ra, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tuần gần đây cũng chứng minh rằng ông không phải người dễ thao túng. Ngoài việc trả đũa tương xứng với Mỹ trong thương chiến, Chủ tịch Tập Cận Bình còn tăng cường quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tới thăm Bình Nhưỡng, có một cuộc gặp thành công với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia cuộc họp này, ông đã nhận được sự quan tâm của dư luận khi viết trên Twitter rằng ông đang mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên gặp gỡ.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tới Hàn Quốc sau Hội nghị G20, dự kiến sẽ tới thăm khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên. Mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington dường như đang ấm dần, và bằng chuyến thăm mới đây Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng họ có thể đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả trong vấn đề này, mặt khác cũng có thể cản trở nó.