Tương Bần

Phạm Quang Vinh 30/06/2019 08:03

Hàng trăm năm nay, người dân làng Bần làm tương như một nghề tranh thủ dịp nông nhàn, tạo  thêm thu nhập.

Từ khi đất nông nghiệp phải nhường cho các khu công nghiệp, Quốc lộ 5 mở rộng, làng Bần lên phố và thị trấn Bần nằm ngay sát quốc lộ là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương. Nhiều gia đình chuyển từ làm nông nghiệp sang kinh doanh; một số gia đình mở rộng nghề làm tương truyền thống. Sự đổi thay đó đã tạo đà cho ngành nghề thủ công này trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Tương Bần

Mỗi gia đình làm tương Bần truyền thống đều có sân chum ủ tương quanh năm.

Làm tương Bần phải đảm bảo quy trình hết sức nghiêm ngặt. Gạo sau khi ngâm được nấu thành xôi thì đem cho vào nong, chờ lên mốc xanh.

Đỗ tương đem rang với cát, đảo đều với lửa nhỏ để cho hạt chín đều từ ngoài vào trong, có màu vàng và mùi thơm lựng.

Sau khi rang, cho đỗ tương vào ngâm nước đúng 7 ngày 7 đêm, không ít hơn hoặc nhiều hơn, nếu không thì hạt sẽ bị chua (ít hơn 7 ngày) hoặc úng (nhiều hơn 7 ngày).

Nước ngâm đỗ đó được đem ủ với mốc, bóp thật nhuyễn cho hai thứ quyện với nhau, gia vị bằng nước muối đã được lọc sạch rồi bỏ tất cả hỗn hợp ấy vào chum phơi nắng ít nhất từ 2 tháng đến 6 tháng, tốt nhất là 2 năm.

Trong khoảng thời gian phơi nắng, người làm đỗ tương phải lấy gậy khuấy tương mỗi buổi sáng. Nắng là một yếu tố quan trọng, trời càng nắng nóng thì chất lượng tương càng cao, vì vậy từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm chính là mùa làm tương của làng nghề.

Tương Bần - 1

Gạo nếp đồ thành xôi, sau đó ủ khoảng 3-4 ngày chờ lên mốc xanh.

Tương Bần - 2

Đỗ làm tương phải chọn loại hạt to, đều, da sáng và bóng.

Tương Bần - 3

Quá trình lên mốc rất quan trọng trong sản xuất tương.

Tương Bần - 4

Rót tương vào chum ủ.

Tương Bần - 5

Trong thời gian ủ, hàng ngày, tương được khuấy vài ba lần để cho đỗ, gạo quyện vào nhau tạo vị thơm, vị ngọt.

Tương Bần - 6

Những mẻ tương thơm ngon.

Tương Bần - 7

Khách hàng đến từ khắp nơi mua tương tại làng Bần.

Phạm Quang Vinh