Kiểm soát quyền lực là rất quan trọng

H.Vũ (thực hiện) 01/07/2019 08:00

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, tuy nhiên tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Trao đổi với PV báo Đại đoàn kết, ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Kiểm soát quyền lực là rất quan trọng

Ông Lê Như Tiến.

PV:Thưa ông, vấn đề phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được đẩy mạnh, tuy nhiên điều người dân rất quan tâm là có cả biểu hiện tiêu cực xảy ra ở chính lực lượng PCTN. Ý kiến của ông về việc này?

Ông Lê Như Tiến: Trước đây tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội rằng cần làm trong sạch bộ máy PCTN. Và mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có công văn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tức là PCTN chính trong cơ quan PCTN. Trong thời gian qua, tại các cơ quan thanh tra, điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng có một số người có hành vi vòi vĩnh. Dù chỉ chiếm một số ít nhưng cũng là những “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ vài “con sâu” nhưng làm ảnh hưởng đến cả ngành. Cá nhân tôi đánh giá đây chỉ là số ít nhưng chúng ta cần làm trong sạch hóa đội ngũ, làm trong sạch bộ máy làm công tác bảo vệ pháp luật như: Thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì đây là những cơ quan, nòng cốt trong chống tham nhũng. Nếu lực lượng này mà có người vòi vĩnh, tham nhũng thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ cơ quan đó cũng như công tác PCTN. Gần đây các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều đã ra những chỉ thị rất gắt gao cho ngành của mình với cương quyết phải làm trong sạch đội ngũ.

Cùng với những quy định chấn chỉnh hành vi của cán bộ thực thi pháp luật đã được ban hành, nhưng có lẽ vẫn cần những giải pháp hữu hiệu mang tính căn cơ hơn, thưa ông?

- Đúng là giữa chỉ thị với hiện thực còn có khoảng cách, cho nên chúng ta cần cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực. Đây là điều cực kỳ quan trọng vì đã tổ chức ra một cơ quan thanh tra vậy ai sẽ kiểm soát quyền lực của cơ quan thanh tra đó? Rồi ai kiểm soát quyền lực của cơ quan điều tra để đảm bảo sự trong sạch, lành mạnh của cơ quan đó? Cho nên yếu tố kiểm soát quyền lực là rất quan trọng. Đã sinh ra một cơ quan có quyền thường dễ lộng quyền, chuyên quyền cho nên phải có cơ quan khác để giám sát, kiểm soát lại. Trong hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tố tụng phải có tổ chức để kiểm soát, giám sát lại nó. Tôi thấy rất cần tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực.

Như vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vòi vĩnh, đòi chung chi tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa rồi là một ví dụ. Họ mới chỉ là thanh tra cấp Bộ vậy thanh tra cấp cao hơn thì sẽ thế nào? Do đó chúng ta cần phải giám sát và kiểm soát quyền lực.

Để giám sát, kiểm soát quyền lực thật tốt thì chúng ta phải tăng cường sự giám sát, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan dân cử và MTTQ Việt Nam, thưa ông?

- Giám sát có nhiều cơ quan. Ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật rồi thì vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam rất quan trọng. Trong Hiến pháp đã quy định MTTQ Việt Nam là cơ quan giám sát hoạt động của các cơ quan bộ máy nhà nước, và phản biện xã hội. Luật MTTQ Việt Nam đã quy định MTTQ giám sát và phản biện xã hội, trong đó có giám sát các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên của Mặt trận như Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng đều có vai trò, nhưng các cơ quan đó thời gian qua chưa phát huy được hết sức mạnh, đó là do chúng ta chưa tạo điều kiện để họ thực sự hoạt động có hiệu quả cao. Mặt khác, nhân dân chính là “tai mắt” và có quyền tham gia vào việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp cũng đã quy định, cử tri có trách nhiệm giám sát hoạt động của những người trong cơ quan dân cử do mình bầu ra như: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân… Nhưng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam tại các cấp.

Kiểm soát quyền lực cần phải gắn cụ thể với trách nhiệm của người đứng đầu chứ không chỉ chung chung, thưa ông?

- Chúng ta phải luôn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đã đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì họ phải có trách nhiệm khi có sự việc xảy ra tại cơ quan, đơn vị của mình. Anh không trực tiếp nhưng liên đới chịu trách nhiệm về việc những cán bộ dưới quyền của anh gây nên và phải có trách nhiệm giải trình. Tôi lưu ý rằng không chỉ có trách nhiệm cụ thể mà còn phải giải trình trước nhân dân và cấp trên về việc tại sao ngành xảy ra những sự việc đó. Không thể chung chung “thật đáng tiếc” mà phải nói rõ trách nhiệm của mình đến đâu khi cấp dưới làm sai. Trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng, vì anh không những tổ chức cho cấp dưới thực hiện mà còn giám sát hoạt động của cấp dưới làm đúng theo quy định của pháp luật. Khi cấp dưới làm trái pháp luật thì người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm chứ không thể vô can.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)