Nỗi buồn Thành cổ Luy Lâu

Minh Phúc 01/07/2019 08:00

Thành cổ Luy Lâu thuộc xã Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - từng nhiều lần được vinh danh từ trong sử sách, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, công trình với các hệ giá trị tuyệt đẹp ấy đang bị xâm hại. Một quần thể di tích rộng lớn và có bề dày lịch sử bị hoang phế.

Nỗi buồn Thành cổ Luy Lâu

Cả thành cổ lộng lẫy, nguy nga là thế, nhưng thiếu biển chỉ dẫn. Chiếc cổng này được làm từ nguồn kinh phí, nguyện vọng thiết tha của nhân dân và các phật tử hảo tâm.

Di tích bị bỏ quên

Hoang phế, bị xâm hại, xấm chiếm, đó là bức tranh còn sót lại cuối cùng được chúng tôi ghi lại trng một bức ảnh buồn day dứt. Bức tranh đó và cả những gì ngổn ngang, bừa bãi hiển hiện ra trước mắt, khiến ai lấy cũng phải giật mình nghĩ về nỗi đau di sản. Những người dân sống trong khu vực bảo rằng, từ nhiều năm qua, đã có nhiều nhà khảo sát cổ học lừng danh về đây để tiến hành nghiên cứu, đo đạc về địa mạo, địa chất, đặng tìm ra lời giải cho một đại công trình có tầm cỡ như Luy Lâu. Vậy mà lần nào đến họ cũng tràn đầy nhiệt huyết, ghi chép có số liệu rất tỉ mỉ, nhưng khi hỏi về tương lai xây dựng lại một thành cổ, khôi phục hiện trạng để bảo tồn đúng cách, thì không ai có câu trả lời xác đáng. Theo họ, một mặt, vì toà thành đã trở nên quá lâu đời, nên việc xác định lại mọi giá trị vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nghĩa là thành vẫn nằm trong danh mục được bảo tồn, nhưng vẫn phải chờ.

Mặt khác, đã được cấp trên công nhân về nhiều mặt, rất mong muốn bảo tồn, tôn tạo, trung tu di tích nhưng cái khó vẫn nằm ở phần kinh phí. Nên năm tháng trôi qua, đến tận bây giờ, không chỉ riêng người Bắc Ninh mà cả những người ở xa xôi nghìn dặm cũng đã biết đến di tích cổ xưa này. Họ tìm đến chiêm bái, khám phá, nghiên cứu, thậm chí có những trăn trở để tìm ra một lối thoát khả dĩ cho một dấu tích “muôn nghìn năm giá trị”, song tất cả cũng chỉ là cơn gió thoảng bay. Toà thành ngày qua ngày vẫn nằm im giữa nhiều nghìn mét khối đất đá, giá trị và nhiều hệ giá trị dù được “đảo bới”, được nghiên cứu vẫn chưa thấy một dấu hiệu khả quan nào để phục dụng một di tích cấp quốc gia như thế.

Hôm ấy, khi chúng tôi được tham dự một đoàn khảo sát thực địa về với Bắc Ninh, thì bất ngờ nhận được rất nhiều lời kêu cứu từ phía bà con, thậm chí trong đó có những cán bộ yêu văn hoá tỉnh nhà. “Bây giờ chẳng con mấy ai biết về quá khứ một thời vàng son của thành cổ Luy Lâu nữa, mà chỉ thấy nó ngổn ngang như một phố tích”- một người sống quanh vùng nói.

Bảo tồn giá trị văn hóa

Thành cổ Luy Lâu có từ thời Bắc thuộc. Qua hàng nghìn năm, cuộc sống đổi thay, dấu vết lịch sử như xoá mờ đi tất cả, khiến thành cổ chỉ còn nằm gọn trong lòng đất thâm u và cô tịch này. Dù đã được công nhận là một di tích Quốc gia từ năm 1964, nhưng hỏi nhiều người dân chúng tôi vẫn không thấy ai chỉ được đúng đường vào trong thành. Thay vào đó, chỉ nhận được những lời ca thán, trách móc, vì thành cổ đã bị xâm hại.

Bà Nguyễn Thị Hạt- một người dân làng Lũng Khê bức xúc: “Tôi sống ở đây đã quá nửa cuộc đời, đủ khôn để hiểu về các giá trị của thành Luy Lâu. Ngày xưa, toàn bộ khu vực này vẫn còn hoang vắng lắm. Dường như dân cư rất thưa thớt, cỏ cây, hoa lá mọc khắp nơi. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người ta thi nhau “nhảy dù” vào lấn chiếm, chẳng cần quan tâm là di tích hay lịch sử quốc gia”.

Để có thể xác định chính xác được thành Luy Lâu, chúng tôi phải đứng trên một địa điểm cao nhất. Nhìn từ xa, cả trung tâm thành cổ bị bao vây ba bề bốn bên bởi những toà ngang dãy dọc mọc lên san sát. Bờ tường thành cũ không còn nhiều dấu vết bởi cỏ cứ thể mọc um tùm, choán hết lối đi. Đặc biệt không còn nhìn thấy bất kỳ dấu vết nào là quan trọng khi mà người dân đã “tự tiện” san bờ để làm ruộng, làm nhà. Ông Nguyễn Văn Luận - một người sống lâu năm ở đây cho biết: “Hầu hết toàn bộ thành phía Nam này đã bị lấn chiếm, đào bới, đóng gạch. Từ nhiều năm nay, chính quyền đã vào cuộc xử lý nhiều lần nhưng năm ngoái, do xã cho giải quyết đất ở nên có tình trạng đập tường thành để mở đường. Bây giờ không biết xã đã giải quyết đến đâu”.

Để hiểu rõ về thực trạng này, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Bắc Ninh (lúc bây giờ là Ban Quản lý di tích), thì được biết, trước đây Phòng thông tin huyện Thuận Thành và UBND xã Thanh Khương có tiến hành đo đạc, lập biên bản và khoanh vùng để bảo vệ di tích trước nạn “xâm chiếm” gay gắt. Diện tích tính đến thời điểm đó là 103.518 m2, nhưng khi được hỏi thì chính quyền xã Thanh Khương cho biết chỉ còn 100.000 m², nghĩa là thành cổ giờ chỉ còn 77.000 m2.

Nỗi buồn Thành cổ Luy Lâu - 1

Không có kinh phí, nhiều hạng mục xây dựng ở đền thờ Sĩ Nhiếp vẫn được xây dựng theo kiểu chắp vá như thế này.

Lý giải về con số chênh lệch đó, ông Nguyễn Duy Kha - cán bộ văn hoá xã, phó ban Quản lý di tích giải thích rằng: “Cho đến bây giờ, quan điểm nhất quán của xã cũng như huyện là quản lý thành cổ vẫn dựa trên việc bảo tồn. Diện tích nhà nước giao thế nào địa phương vẫn quản lý đúng quy trình. Chỉ có một bộ phận diện tích do năm 1992 chia ruộng lâu dài, lúc đẩy việc quản lý về đất đai, di tích không chặt chẽ nên có một số diện tích giao cho dân để làm ruộng reo cấy vụ mùa, một bộ phận diện tích giao cho dân đấu thầu”.

Đã hơn 40 năm trôi qua, thành cổ Luy Lâu cũng không có cổng chính, không có một biển báo giới thiệu hướng đi vào thành cổ. Chiếc cổng đơn sơ được dùng là do nhân dân và các phật tử quyên góp xây dựng. Còn chính những người chịu trách nhiệm trong quản lý thành cổ lại đưa ra lý do: “Cổng đấy không phải là do Uỷ ban chịu trách nhiệm thi công mà do một bộ phận phật tử công đức tự làm. Cũng đã có 3 phương án làm đường đi vào 3 thôn, đường bê tông đi vào cổng thành, vào chùa, rồi làm cổng nhưng không có kinh phí nên tất cả đành phải “bỏ ngỏ”. Điểm nhấn của toàn bộ thành cổ còn lại đến bây giờ là chùa Phi Tướng và đền Lũng nằm trong thành. Chùa Phi Tướng được các nhà nghiên cứu cho rằng là nơi đầu tiên Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Còn đền Lũng thờ Thái Thú Sĩ Nhiếp, là người có công truyền bá dạy chữ Hán vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Nhưng cả ngôi chùa và ngôi đền vẫn hoang sơ, tiêu điều, bừa bộn.

Cho đến tận bây giờ, giới khảo cổ Việt Nam chưa phát hiện được khu di tích nào có mật độ di tích phong phú, đa dạng và rộng lớn, phản ánh vai trò và tính chất một thủ phủ, một đô thị lớn trong thời Bắc thuộc như Luy Lâu. Huy hoàng một thuở là thế nhưng đến Luy Lâu bây giờ, chẳng còn mấy ai biết về quá khứ của thành cổ, về một thời vàng son của nó, mà chỉ nhìn thấy thành cổ trở thành một phế tích.

Minh Phúc