Lộ trình nào cho Thủ Thiêm
Lộ trình nào để khắc phục vi phạm ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm đang là chủ đề “nóng ” ở đô thị lớn nhất nước. Với thời hạn cuối để giải quyết dứt điểm vụ việc được Thanh tra Chính phủ (TTCP) đưa ra là ngày 31/12/2019, đang được xem là thử thách cần sự nỗ lực đối với các cơ quan có trách nhiệm của TP HCM.
Người dân Thủ Thiêm trình bày nỗi oan ức, thiệt thòi đã kéo dài quá lâu Ảnh: Hồng Phúc.
Không được trễ hẹn với dân
Sau khi TTCP thông báo (số 1041/TB-TTCP) kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại KĐTM Thủ Thiêm được công bố, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM nhận định, có hai nội dung mấu chốt, gần như là mệnh lệnh đối với chính quyền thành phố. Đó là về thời điểm “giờ G”, được xem như “tối hậu thư” được TTCP nêu rất cụ thể, là nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì sự việc ở Thủ Thiêm sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xem xét, xử lý. Thứ hai là thông báo kết luận cũng nêu rất rõ UBND TP HCM và các Sở, ngành liên quan thuộc nhiều thời kỳ có nhiều khuyết điểm, vi phạm tại Dự án KĐTM Thủ Thiêm. Do đó, Đảng bộ, Chính quyền thành phố cũng phải gấp rút để xử lý nghiêm túc trách nhiệm cá nhân liên quan.
Đồng ý với hướng giải quyết của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, lộ trình để khắc phục vi phạm ở KĐTM Thủ Thiêm là không thể chậm trễ được hơn nữa. Không chỉ bởi từ khía cạnh “tối hậu thư” nêu trên trong thông báo kết luận của TTCP, mà còn bởi người dân Thủ Thiêm đã phải chịu đựng quá lâu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, TTCP yêu cầu UBND TP HCM thu hồi ngay khoản tiền 26.300 tỷ đồng về cho ngân sách Nhà nước. Đây là số tiền lớn, trong khi thành phố phải duy trì trách nhiệm nặng nề lâu nay là đảm bảo tỷ lệ ổn định đóng góp về ngân sách hàng năm.
Trong khi đó, đối với nhiều người dân Thủ Thiêm, ngay khi đọc thông tin về kết luận của TTCP qua báo chí, lại quan tâm nhiều hơn những vấn đề thiết thực của họ. Nhiều người đã vỡ òa cảm xúc trong sự dồn nén từ lâu nay. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, bà Phan Thị Hồng Trang (P.Bình Khánh, Q.2) và ông Phạm Văn Khôi (P.Cát Lái, Q.2) cho biết: Chưa bao giờ những người dân bị cưỡng chế trái luật buộc phải rời khỏi Thủ Thiêm cách đây hơn 20 năm lại cảm thấy hi vọng lớn lao đến thế về ngày chấm dứt chuỗi oan ức của mình. Bà Trang nói khi giao đất cho nhà nước thực hiện Dự án KĐTM Thủ Thiêm thì gia đình bà cùng với nhiều hộ dân ở P.Bình Khánh được bố trí tái định cư về chung cư Bình Khánh. Thế nhưng, thời gian đã khiến nơi đây đang xuống cấp trầm trọng, tường nhà bị bong tróc, xập xệ, cùng hệ thống điện, nước đã bị hư hỏng, không còn sử dụng được. Hơn bao giờ hết, người dân đang cần một nơi an cư đảm bảo. Còn ông Khôi chưa hết bức xúc khi chính quyền cơ sở trước đây cưỡng chế giải tỏa nhà đất của họ thì hầu như không còn quan tâm họ sống như thế nào. Bà Nguyễn Thị Hà (P.Bình An, Q.2) đặt câu hỏi tha thiết với chính quyền: “Đã bao giờ các vị nghĩ đến việc khảo sát đời sống của người dân hay không. Có biết những nơi tạm cư có đến 4 – 5 chữ “không”, đó là “không nhà, không điện, không nước, không trạm trường”.
Không riêng trường hợp bà Hà, nhiều người dân của 5 phường thuộc diện ảnh hưởng bởi Dự án KĐTM Thủ Thiêm phải tìm nhiều phương cách để mưu sinh. Bởi vì thực tế, ngay cả quỹ tín dụng hỗ trợ người dân sau tái định cư (Quỹ 156) của TP HCM cũng quá thấp. Người dân sẽ chẳng thể làm gì với số tiền quỹ cho vay vỏn vẹn 30 triệu đồng.
Cơ hội sửa sai, dù muộn màng
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM hiện nay là người từng giữ vai trò lãnh đạo, nguyên Bí thư Quận ủy Q.2, đã đưa ra quan điểm khi thông báo kết luận thanh tra của TTCP được công bố. Ông Hiếu cam kết với cử tri, người dân thành phố, rằng các cơ quan chức năng và UBND TP HCM đang gấp rút thực hiện các yêu cầu theo kết luận mới nhất của TTCP về Dự án KĐTM Thủ Thiêm. Trước mắt, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đề nghị UBND Q.2 gấp rút tìm hiểu những phản ánh của người dân về những hư hỏng, khiếm khuyết của các khu tái định cư, để sớm sửa chữa, giải quyết cho người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền Q.2 cũng phải nhanh chóng rà soát lại một số dự án có điều chỉnh quy hoạch cũng như chất lượng sau khi tái định cư để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân. Đồng thời sẽ có báo cáo, kiến nghị xem xét mở rộng, hỗ trợ người dân Thủ Thiêm trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng thông tin ban đầu về hướng giải quyết sự việc. Trong đó, thành phố sẽ lập kế hoạch thực hiện những việc liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm sau khi có kết luận của TTCP. Dù thành phố vẫn chưa nhận được kết luận mới nhất của TTCP, nhưng UBND TP HCM sẽ chủ động báo cáo với Thường trực Thành ủy TP sau khi đã nhận được kết luận trên. Sau đó, UBND TP HCM sẽ tổ chức họp báo về kết luận của TTCP. Theo ông Nguyễn Thành Phong, tất cả các công việc này phải làm khẩn trương và không thể chậm trễ hơn nữa. Bởi vì, đây vấn đề cấp thiết, liên quan đến quyền lợi của người dân khiếu kiện ở KĐTM Thủ Thiêm đã có trong Thông báo 1483 của TTCP trước đó.
Thông tin với Đại Đoàn Kết, đại diện Tổ đại biểu HĐND TP HCM tiếp xúc cử tri Q.2 trước thềm kỳ họp HĐND TP HCM cũng khẳng định, tại kỳ họp tới đây đại biểu HĐND TP sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm. Ngoài ra, chắc chắn về trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án thuộc về lãnh đạo UBND TP HCM và các Sở, ngành tham mưu như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm,... cũng sẽ được làm rõ.
Chỉ còn 5 tháng cho các nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền TP HCM để khắc phục hậu quả những sai phạm xảy ra ở KĐTM Thủ Thiêm. Và người dân vẫn đang trông chờ một lộ trình và phương án hợp tình, hợp lý để giải quyết các vấn đề dân sinh, thu hồi tài sản cho nước, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến các sai phạm để lại hậu quả nặng nề tại đây.