Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2020 là năm cuối triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020, là năm quyết định việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách 10 năm giai đoạn 2011-2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020 đã đề ra của các cấp có thẩm quyền.
Xây dựng dự toán thu NSNN
Dự toán thu NSNN năm 2020 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, có tính đến khả năng điều chỉnh chính sách của năm kế hoạch, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2019; đồng thời phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước, đặc biệt là những nhân tố tác động, việc điều chỉnh tăng giá nguyên liệu đầu vào (xăng, dầu, điện,...) làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020.
Phấn đấu tỷ lệ huy động thu NSNN từ thuế, phí so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 khoảng 19-20%.
Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi ngân hàng nhà nước) năm 2020 bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 10-12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.
Xây dựng dự toán chi NSNN
Dự thảo quy định về xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) như sau: Xây dựng dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN, bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu tiền sử dụng đất - phần trong kế hoạch đã giao và phần dự phòng (nếu có), đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN cần chi tiết theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên: (i) bố trí đủ dự toán năm 2020 để đảm bảo thanh toán hết nợ xây dựng cơ bản và thu hồi hết số vốn ứng trước của các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; (ii) bố trí đủ theo nhu cầu vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã giao của các dự án hoàn thành trong năm 2020; (iii) bố trí vốn đầy đủ theo phân kỳ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; (iv) bố trí đủ vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP; (v) chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới nếu còn nguồn và đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Về xây dựng dự toán chi thường xuyên: Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, đồng thời dành nguồn để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII).