Lao vào biển lửa cứu rừng
Những khuôn mặt phờ phạc, đen đúa, lấm lem vì khói lửa. Những con người ướt đẫm mồ hôi, nước mắt xen lẫn máu. Những đôi chân phồng rộp, đau đớn vì trèo đèo, lội suối. Những phút giây mệt lả bên gốc cây…
Đó là hình ảnh hết sức xúc động của các lực lượng và người dân các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa” những ngày qua. Họ đã lao mình vào biển lửa để cứu rừng, giữ lấy sự sống.
Các chiến sĩ tham gia dập lửa cứu rừng tại Hà Tĩnh, Ảnh: Minh Thùy.
Quên mình để cứu rừng
Cả tuần nay, Hà Tĩnh bị bủa vây bởi hỏa hoạn, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang và nhân dân không nao núng xông vào rừng để dập lửa. Trong khó khăn, hoạn nạn mới thấy được nhuệ khí, tinh thần, ý chí, nghị lực, kiên cường, đoàn kết của người dân nơi đây. Trong đó có những người như anh Đậu Văn Chiến (thôn 8, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Đám cháy rừng ở xã Xuân Hồng, thị trấn Xuân An như con “quái vật” hung hãn, dập đầu này mọc lại đầu kia. 12h30 phút trưa ngày 28/6, đám cháy được nhân dân thôn 7, xã Xuân Hồng phát hiện và cấp báo cho cơ quan chức năng. Đến 3h chiều cùng ngày, ngọn lửa đã lan sang khu vực rừng của xã và cả khu vực rừng của thị trấn Xuân An. Trưa hôm đó, nhận được tin báo từ một người không quen biết công tác ở UBND huyện Nghi Xuân, anh Đậu Văn Chiến gác hết công việc dang dở để vào rừng. “Rừng Hồng Lĩnh đang cháy lớn, cần phương tiện phát quang hành lang cản lửa, nghe vậy tôi vội vàng xách máy cưa xăng lên đường ngay” - anh Chiến kể lại. Khoác lên mình bộ quần áo màu xanh quân ngũ, anh phóng xe về hướng núi Hồng Lĩnh - nơi cháy rừng đang lan nhanh.
Khi anh Chiến tiếp cận khu vực cháy vào thời điểm 14h chiều, tại đây các trung đội dân quân cơ động, lực lượng công an, các ban ngành đoàn thể cấp huyện cùng nhân dân các thôn xóm, khối phố đã có mặt rất đông để tham gia chữa cháy. Gió Nam thổi mạnh, đám cháy mỗi lúc một lan rộng, ngọn lửa bùng phát rất cao. Không do dự, anh Chiến với chiếc máy cưa nặng gần chục cân đã lao vào những lùm cây, vạch lên đường băng cản lửa tạm thời. Theo sát anh là hàng chục chiến sĩ, dân quân tự vệ thu gom các thân cây, cành cây vừa được đốn hạ. Không nhận lệnh từ ai, anh Chiến băng mình từ cánh rừng này đến cánh rừng khác để cùng mọi người nhanh chóng hình thành nên những đường băng cản lửa.
Đến gần 23h đêm ngày 28/6, khi cảm thấy trong người đã thấm mệt, máy cũng cạn nhiên liệu, anh mới xuống núi. Ăn tạm chiếc bánh mỳ cho đỡ đói, phần vì cần tiền để mua xăng cho máy cưa nên anh không dám chi tiêu nhiều cho bản thân dù chỉ là một suất cơm bình dân. Về nhà người quen tại khối 2, thị trấn Xuân An nằm ngả lưng mới được hơn tiếng đồng hồ lại nghe tin đám cháy bùng phát trở lại, anh Chiến vội vã xách máy vào rừng.
Sáng 29/6, cảm phục trước việc xả thân quên mình của anh Chiến, lãnh đạo huyện Nghi Xuân tỏ ý muốn tặng một phần quà nho nhỏ để động viên, khích lệ, anh liền từ chối. Trong lúc đó, vợ báo tin em gái ruột của anh phải mổ cấp cứu vì đau ruột thừa, anh đành chịu thiếu sót không thể về được.
Chiều 1/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Đối tượng Thành khai nhận, sáng 28/6 khi đi mua thức ăn có mua chiếc bật lửa để hút thuốc. Trưa cùng ngày, Thành ra vườn, gom rác trong vườn lại khu vực cuối vườn rồi bật lửa đốt. Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Sau đó, đám cháy lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ ở một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An.
Anh Đậu Văn Chiến vác cưa xăng tiên phong cắt rừng tạo đường băng cản lửa.
Cả ngày chỉ một nắm cơm
Những ngày vừa qua, do thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài, ở Thừa Thiên – Huế đã xảy ra nhiều vụ cháy khiến một diện tích rừng lớn tuổi thọ hàng chục năm đã bị thiêu rụi. Riêng ngày 18/6, tại Thừa Thiên – Huế đã có 4 điểm cháy rừng xảy ra tại phường Hương Hồ, thuộc thị xã Hương Trà; phường Thủy Phương, Thủy Châu và xã Phú Sơn thuộc thị xã Hương Thủy. Quy mô vụ cháy ngày càng lớn nên ngoài lực lượng cứu hoả, hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ và cả nông dân cũng tham gia dập lửa, cứu rừng.
Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã điều động tổng cộng gần 400 chiến sĩ, cán bộ phối hợp cùng với các lực lượng khác và bà con khống chế ngọn lửa. Riêng Trung đoàn Bộ binh 6 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã điều động 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác dập lửa.
Thượng tá Lê Hữu Tích – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 6, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vào khoảng 11h30 ngày 28/6, sau khi nhận được lệnh từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về đám cháy bùng phát ở xã Phú Sơn, Trung đoàn đã điều động 140 cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa. Đến khoảng 13h cùng ngày, tiếp tục nhận được thông tin xuất hiện đám cháy ở rừng thông của phường Phú Bài, giáp ranh với phường Thủy Châu và Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Trung đoàn nhanh chóng điều động thêm 60 chiến sĩ.
“Liên tục từ 11h đến 23h cùng ngày, lực lượng của đơn vị luôn bám hiện trường, phối hợp với các lực lượng khác ngăn đám cháy không để lan rộng. Có những người như đồng chí Phan Gia Linh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn, cả ngày đó chỉ vội ăn nắm cơm rồi lại trở lại hiện trường cùng anh em chiến sĩ dập lửa” – Thượng tá Tích chia sẻ.
Anh Phan Gia Linh chia sẻ, chứng kiến cảnh các lực lượng cứu cháy giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa rừng rực, bỏng rát, mới hiểu hết được những nguy hiểm và cực nhọc nơi đây. “ Vì ngọn lửa bùng cháy và lan rộng ngay dưới chân đường dây điện 500 KV, nên công tác chữa cháy và khống chế ngọn lửa là vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi mỗi người lính tham gia cứu hỏa phải căng mình hết sức để kiềm chế ngọn lữa không để lây lang sang khu vực khác” – anh Linh kể lại.
Bộ đội tham gia dập lửa cứu rừng ở Thừa Thiên –Huế.
Những hy sinh thầm lặng
Trong những vụ cháy rừng tại Nghệ An vừa qua đã xuất hiện những con người thầm lặng cống hiến sức mình, thậm chí cả mạng sống để cứu rừng. Người phải kể đến đầu tiên là bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964) trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An) trong lúc chữa cháy rừng, không may tử vong, tin tức ấy mau chóng lan truyền, ai cũng xót xa.
Vào khoảng 8h sáng ngày 30/6 tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Nam Kim (Nam Đàn) và xã Sơn Tân (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bỗng xuất hiện đám cháy. Sau khi biết tin, bà Hoa đã không ngần ngại cùng với người dân sống gần đó tham gia dập lửa. Với lợi thế nhà cách hiện trường cháy hơn 2 km, một mặt hô hào thêm người giúp, mặt khác bà dùng những can nhựa đựng nước và cứ thế mang lên đồi tiếp ứng cho lực lượng dập lửa. Không may, trong lúc đang tiếp tế, đúng lúc gió Phơn thổi mạnh bốc ngọn lửa từ nơi khác đến trùm lấy toàn bộ khu vực bà Hoa đứng, ngọn lửa lan nhanh, bà Hoa không thoát ra kịp nên tử vong.
Hay như ở giữa TP Vinh, nơi không bị ảnh hưởng của cháy rừng, vẫn có một cặp vợ chồng già “dập lửa” bằng những suất cơm miễn phí. Đó là ông Lê Văn Hồng – Chủ nhà hàng Minh Hồng trú tại phường Quán Bàu. Trong những ngày rừng thông ở núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bùng cháy, hàng ngàn con người đang ngày đêm dập lửa cứu rừng thì hai vợ chồng ông Hồng đã tổ chức phát 1.000 suất cơm, 1.000 chai nước ngọt, 1.000 chai nước khoáng và 3 tạ đá lạnh miễn phí để hỗ trợ các lực lượng. Những đóng góp của ông Hồng đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận khi đang trên đường vào chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
* Khống chế cháy rừng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi: Vào khoảng 13h30, ngày 1/7, tại khu vực rừng keo của người dân ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ cháy lớn. Sau đó, người dân địa phương gọi báo cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Quảng Nam. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã huy động 2 xe chữa cháy và hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường dập lửa. Đến 15h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế dập tắt được đám cháy này. Cùng ngày, ông Võ Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lực lượng chức năng sau nhiều giờ nỗ lực đã khống chế được vụ cháy rừng trên địa bàn huyện này. Vụ cháy xuất hiện vào khoảng 11h ngày 30/6, tại khu vực rừng keo thuộc xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, khiến khoảng 9 ha rừng sản xuất bị thiêu thiêu rụi. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy trên đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
* Mưa lớn ở Quảng Bình: Vào khoảng 14h ngày 1/7, tại Quảng Bình đã có mưa lớn sau hơn 1 tháng nắng hạn. Trận mưa “vàng” rả rích, kéo dài đã giải nhiệt, xua đi không khí nóng bức trong những tuần qua. Mưa đã xuất hiện trên diện rộng ở nhiều địa phương tại thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn…Có thể nói, cơn mưa này góp phần giải quyết trình trạng thiếu nước tưới trên 1.600 ha hoa màu vụ hè thu và hạn chế tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Người dân rất vui mừng khi đón nhận trận mưa này.