Ca khúc phản cảm vẫn 'lọt lưới'
“Độ ta không độ nàng”, “Như cái lò”, “Oh my Chuối”… là tên các ca khúc “đang làm mưa, làm gió” trên thị trường âm nhạc trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều mang lại “thành công” của các sản phẩm âm nhạc với lượng view “khủng” này lại chính là những ca từ nhạy cảm, ẩn ý dung tục...
Lời ca khúc “Độ ta không độ nàng” đang tạo ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội.
Biến tướng trào lưu
Mới đây, dư luận xã hội đã “dậy sóng” bởi ca khúc “Độ ta không độ nàng” được cover lại từ ca khúc “Độ tôi, không độ cô ấy” dựa trên một truyện ngôn tình từng gây sốt mạng Internet Trung Quốc, kể về chuyện tình oan trái giữa một nhà sư và nàng quận chúa… Ngay sau khi ca khúc được đăng tải trên mạng xã hội đã tạo ra hàng loạt ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ giới trẻ. Ở đó, bên cạnh những ủng hộ tích cực bởi giai điệu của bài hát dễ nghe và đi vào lòng người là sự phản đối gay gắt ca từ ca khúc không đúng với giáo lý nhà Phật. Dù tạo ra nhiều tranh cãi, nhưng tốc độ lan truyền của ca khúc này là không thể kiểm soát... Và đây cũng phải là lần đầu các ca khúc sử dụng ca từ “sốc, sến...” để tạo hiệu ứng với người nghe.
Trước đó, câu chuyện ca khúc mang tựa đề ẩn ý lời nói tục đang nổi lên như một trào lưu trong làng âm nhạc Việt. Những cái tên như “Thu dẩm” và “Nắng cực” đã khiến giới trẻ “phát sốt” vì cách chơi chữ nói lái tục tạo sự tò mò. Trước đó, những ca khúc “Oh my chuối”, “Xếp hình”, “Khẽ thôi cưng à”... cũng từng gây xôn xao dư luận vì những ẩn ý hướng về những chuyện “thầm kín”.
Tuy nhiên việc tạo ra trào lưu này cũng là bởi một số nhạc sĩ, ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thị trường muốn có khán giả đã miệt mài chạy theo hiệu ứng của trào lưu. Thậm chí với các ca khúc khi ra đời mục đích không chỉ là những con số triệu view mà còn làm nên danh tiếng, phản ánh sức hút của chính cá nhân đó, mang đến hàng loạt quyền lợi phía sau, từ lời mời biểu diễn đến trở thành đại diện hình ảnh của các nhãn hàng. Ở đó, sự lựa chọn tối ưu của các nhà sản xuất hiện nay đưa lên các trang mạng xã hội tên ban đầu của dự án âm nhạc mà họ chuẩn bị sản xuất, rồi lấy ý kiến của khán giả thích hay không thích, dựa vào đó để quyết định giữ nguyên hay thay đổi tiêu đề. Từ đó mới thấy ngoài nội dung sản phẩm thì việc đặt tiêu đề thế nào cho “chiều lòng người” cũng quan trọng không kém.
Cùng với đó, các nhạc sĩ này hầu như đã cố tình “lách” bằng cách không đề cập trực tiếp, đưa ra câu chữ tục tĩu trực tiếp trong bài hát của mình. Các từ ngữ được dùng đều là sử dụng các từ nói lái, chơi chữ hoặc chứa ý nghĩa tương tự được giới trẻ truyền miệng hoặc sử dụng phổ biến trên mạng. Nhiều đoạn nhạc có những từ tiếng Việt gợi cảm quá mức được nhạc sĩ thay thế bằng tiếng Anh. Nhưng thực ra, dù đã “lách” như thế, nhưng người nghe vẫn nhận ra ý nghĩa thực sự đằng sau những tiêu đề, những lời bài hát. Dĩ nhiên, những màn đánh đố, gây tò mò cho khán giả không phải lúc nào cũng thành công. Bởi công chúng ngày càng thông minh, họ biết được đâu là những sáng tạo có đầu tư, đâu là “rác văn hóa” cộp mác sản phẩm nghệ thuật.
Tín hiệu buồn
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, đây là một tín hiệu buồn cho đời sống âm nhạc, cần cảnh báo; rộng hơn nữa là cho đời sống, lối nghĩ và cách thể hiện bản thân của một bộ phận giới trẻ có tham gia hoạt động âm nhạc hiện nay. “Những giá trị về thẩm mỹ, cái đẹp phù hợp với cộng đồng phải được hình thành trên nền tảng của thời gian, có sự bồi đắp, tích tụ, phải đáp ứng những tiêu chí về chân thiện mỹ nhất định. Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề quản lý văn hóa, mới có chuyện những tác phẩm như vậy “lọt lưới”. Tôi nghĩ các nhà quản lý cần phải đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát được tốt hơn, cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa. Để giải quyết việc này một mình Bộ VHTTDL hiện nay không làm nổi, cần có sự phối hợp của nhiều bộ ban ngành khác nữa”- ông Long nêu quan điểm.
Mặc dù dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng nhưng ở góc độ quản lý dường như việc “cấm” các ca khúc có nội dung phản cảm này vẫn đang trong một vòng luẩn quẩn. Chia sẻ với báo chí, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Cục đang xây dựng, nói đúng hơn là đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung Nghị định về vấn đề này. Chắc chắn là Cục NTBD sẽ quan tâm và tìm biện pháp tốt nhất để có quy định cụ thể, từ đó các nơi căn cứ vào đó để xử lý những trường hợp vi phạm. Hiện nay, Nghị định cũ vẫn còn giá trị, tất nhiên là các nghị định sau một thời gian có thể không phù hợp nữa nên cần phải bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình hiện nay”.
Cũng theo ông Vinh, ngoài việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các ca khúc được phát hành ở đâu, nơi đó có quyền xử lý. Trên thực tế, Cục NTBD trong quyền hạn của mình chỉ được cấp phép ca khúc khi được đề xuất, cấp phép chương trình biểu diễn, album hoặc ca khúc nhưng các MV được tự do đăng tải trên mạng xã hội lại không do Cục kiểm soát. Cơ quan quản lý cũng có sự phân cấp rõ ràng và được pháp luật quy định và lĩnh vực vi phạm thuộc phạm vi cấp phép của Cục, Cục sẽ xử lý. “Tuy nhiên, không phải vì thế mà các thể loại âm nhạc này muốn tung hoành thế nào cũng được”- ông Vinh cho biết.
Có thể thấy, với một thị trường âm nhạc đang phát triển như vũ bão thì việc dùng mọi phương thức thậm chí là “thủ đoạn” để trở thành người của công chúng đã không còn là câu chuyện mới. Thậm chí khán giả giờ đã quen với chiêu trò, và một cái tên gây tranh cãi trong dư luận cũng chỉ là một “mốt” mới trong công cuộc quảng bá sản phẩm của những nghệ sĩ thiếu tự tin vào sức hút của mình. Người yêu nhạc đang chứng kiến một giai đoạn âm nhạc mà chính một phần của bài hát cũng được đem ra để làm miếng mồi câu sự chú ý. Hành động này không chỉ thể hiện khao khát được chú ý của một bộ phận nghệ sĩ mà còn là lời cảnh báo cho một nền âm nhạc nếu chỉ tập trung vào bề nổi mà quên mất những giá trị thật nằm ở bề sâu.