Đổi cách làm để cai nghiện ma túy hiệu quả

Lê Bảo 02/07/2019 08:00

Lần đầu tiên, một nghiên cứu về tình trạng mắc các bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần như trầm cảm, lo âu... của các thanh, thiếu niên sử dụng ma tuý trên địa bàn Hà Nội được công bố.

Đó là kết quả của nghiên cứu “Tỷ lệ rối loạn tâm thần ở thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại Hà Nội” do Trung tâm SCDI phối hợp với Bộ môn Tâm thần (ĐH Y Hà Nội) thực hiện trên 319 người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 16 - 24 đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu cho thấy, có 58% thanh niên sử dụng ma tuý có các biểu hiện trầm cảm. Trong số 58%, các đối tượng có nhiều biểu hiện, triệu chứng lâm sàng như 83,8% buồn chán, 84,9% giảm thích thú, 85,4% mệt mỏi... Đặc biệt, có tới 26,3% đối tượng có ý tưởng tự sát, 12,2% có kế hoạch tự sát và 6,3% định tự sát. Ngoài các biểu hiện trầm cảm, 51,1% thanh niên sử dụng ma tuý có hoang tưởng, ảo giác là bị hại, bị chi phối, bị kiểm tra, nghe tiếng ai nói vào tai, nhìn những cái không có thật...

Bác sĩ Phạm Thành Luân (Bộ môn Tâm thần, Trường ĐH Y Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra hơn một nửa số các thanh, thiếu niên sử dụng ma túy có dấu hiệu trầm cảm, thậm chí mức độ rất nặng nề, thể hiện ở tỉ lệ có ý định, kế hoạch và định tự sát lên đến 45%. Đây là vấn đề báo động đối với đối tượng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy và nhóm nguy cơ cao tại Hà Nội.

“Rối loạn nghiện chất là rối loạn mãn tính, nó kéo dài, điều trị thuyên giảm sau đó có thể tái phát lại. Khi tiếp cận vấn đề rối loạn tâm thần là chúng ta muốn tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện hơn tới vấn đề nghiện chất và cai nghiện. Ở Việt Nam hiện chưa có một hệ thống quy trình nào cho việc điều trị nghiện chất và y tế” - bác sĩ Phạm Thành Luân thẳng thắn chia sẻ.

Việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng ATS. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.

Thực tế hiện nay, việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện được thực hiện theo quyết định của tòa án. Song Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH Nguyễn Xuân Lập cho rằng, quy trình này nhiều bất cập, chẳng hạn trong 100 người sử dụng ma túy cũng có những người chỉ sử dụng chất gây nghiện, ma túy nhưng không gây hại cho cộng đồng.

Để phòng chống tác hại của ma túy trong cộng đồng, các chuyên gia cho rằng, cần giảm dần các trung tâm cai nghiện bắt buộc và tăng cường các hình thức, dịch vụ hỗ trợ cai nghiện khác. Trong đó cần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh, thiếu niên có thể làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý cũng như phạm tội.

Xuất phát từ thực tế trên, hiện nay để đổi mới công tác cai nghiện đem lại hiệu quả tốt hơn, phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã giao Bộ Công an sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma túy 2008. Bộ Tư pháp cũng đang tổng kết, đánh giá bất cập luật xử lý vi phạm hành chính với công tác cai nghiện. Các báo cáo, dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2020. Theo đó, công tác cai nghiện sẽ đổi mới toàn bộ với quy trình phân loại, chuyển gửi, tạo thành mô hình cai nghiện khép kín từ gia đình, xã hội, cộng đồng.

Lê Bảo