Lại nóng tuyển sinh đầu cấp
Tháng 7, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội chính thức khởi động với nhiều trăn trở của phụ huynh, nhà trường và cả xã hội về áp lực học trái tuyến, về sĩ số lớp đông và cả vấn đề thiếu trường lớp, cơ sở vật chất để phục vụ cho năm học mới. Những trăn trở không mới, năm nào cũng… trăn trở, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng này.
Một phụ huynh có con học cùng lớp mẫu giáo với con gái tôi, cách đây hơn một tháng đã đặt vấn đề “gửi nhờ” hộ khẩu của mẹ con chị sang nhà tôi để sau đây, đăng ký vào học cùng trường tiểu học với nhau. Lý do là vì theo hộ khẩu thường trú, nhà chị ở KĐT Pháp Vân thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội - một điểm “nóng hầm hập” vào bậc nhất ở thủ đô khi mật độ dân số cao, nhiều gia đình có con em trong độ tuổi đi học. Nếu đúng tuyến tuyển sinh, con của chị sẽ học Trường Tiểu học Hoàng Liệt nhưng do lo ngại lớp đông, trường không đủ chỗ học nên sẽ chuyển thành học luân phiên, nghỉ một ngày trong tuần và đi học vào cuối tuần. Đó là chưa kể, như năm học trước, có những lớp xếp tới 50 học sinh/lớp trong khi nếu học “trường làng” ở Thanh Trì, sẽ chỉ khoảng 30 học sinh/lớp. Chính vì thế, gia đình quyết định xin học trái tuyến để tiện đưa đón con đi học.
Đây là một trường hợp xin học trái tuyến nhưng lý do không phổ biến. Nhiều gia đình khác “chạy” hộ khẩu, xin suất học trái tuyến vì muốn con học trường “điểm”, lớp chọn để hy vọng con có cơ hội học tập tốt hơn. Nhà ở khu vực Hà Đông nhưng có phụ huynh sẵn sàng đăng ký cho con học một Trường Tiểu học ở Cầu Giấy vì được biết chất lượng trường này tốt, nhiều học sinh đỗ trường chuyên, lớp chuyên…
Đặc biệt, với việc thiếu trường mầm non hiện nay, việc “chạy” để có một suất chắc chắn vào trường công lập được nhiều phụ huynh đặt vấn đề từ… trước Tết. Bởi chỉ tiêu chỉ có hạn, ngoài ưu tiên phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, đối với các lứa tuổi nhỏ hơn, nhà trường chỉ nhận rất hạn chế. Chi phí hàng chục triệu đồng/suất học tùy từng trường, từng khu vực… là tình trạng ai cũng biết và… chấp nhận.
Muôn vàn lý do để “chạy trường” trái tuyến như vậy nên dù năm nào, Sở GDĐT Hà Nội nói riêng và ngành giáo dục trong cả nước nói chung đều nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn song thực trạng không cải thiện được là bao. Như năm học 2019-2020, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo tuyệt đối tránh tình trạng trường thì có nhiều học sinh trái tuyến, trường lại tuyển sinh không đảm bảo số lượng học sinh, không sử dụng hết công suất của trường.
Song đến hẹn lại lên, mỗi mùa tuyển sinh câu chuyện con sẽ học ở đâu vẫn ám ảnh nhiều phụ huynh. Khi có cung ắt có cầu. Các nhà trường dù tuyển đúng tuyến còn dư học sinh nhưng vẫn dành suất cho học sinh trái tuyến. Có một lý do là sau đây, phụ huynh có thể tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí cho quỹ hoạt động, xây dựng trường (áp dụng cho cả đúng tuyến và trái tuyến), có phiếu thu và theo lý thuyết, được dùng để phục vụ nâng cao điều kiện học tập của học sinh. Tuy nhiên, mức đóng góp tự nguyện này thường được nhà trường thông báo khi nào học sinh đi học mới thu, không thu trước vì chẳng khác nào “chạy trường”.
Bên cạnh đó, tình trạng thủ đô “khát” trường học, thiếu lớp học, cơ sở vật chất cũ kỹ, sân chơi nhỏ, phòng học chức năng thiếu… không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh đến hẹn lại… nhắc lại nhưng chưa thay đổi được là bao. Đến mức, Hà Nội đã từng phải xin cơ chế riêng, được nâng tầng cho các trường học để mong phần nào giải quyết được tình trạng quá tải học sinh ở một số điểm nóng.
Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến sĩ số lớp học được đẩy lên cao. Quy định của Bộ GDĐT dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp nhưng để đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều địa bàn cho biết luôn phải tuyển vượt chỉ tiêu…
Đây là năm học cuối cùng trước thời điểm áp dụng chương trình, SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, nhưng những băn khoăn nhiều năm kể trên vẫn chưa thể khắc phục. Trong khi đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một lớp học quá đông sẽ khó đổi mới phương pháp dạy học sinh, khó đảm bảo chất lượng dạy học như kỳ vọng đặt ra. Thực tế thực nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông mới ở 48 trường ở địa bàn 6 tỉnh trên cả nước (18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT) đã chứng minh điều đó. Những tiết học không chỉ toàn màu hồng, nếu không muốn nói là thất bại với một trong những lý do cản trở là vì… sĩ số lớp quá đông.
Làm cách nào để thay đổi thực trạng này, không thể chỉ là nỗ lực của riêng ngành giáo dục mà trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của phụ huynh , xác định đúng năng lực, sở trường của con em mình để định hướng phù hợp cho con. Không chạy đua thành tích, không chỉ có trường chuyên, lớp chọn hay phải học đại học mà bỏ qua trường nghề…
Muốn vậy, từ phía xã hội phải là phân công lao động phù hợp, trả thù lao xứng đáng với các loại hình lao động khác nhau. Chỉ khi nào không còn nặng nề tư duy bằng cấp, khi ấy sự học mới được trả về đúng vị trí giáo dục con người cả về mặt kiến thức, kỹ năng và tâm thế để bước vào đời thành công.