MTTQ tổ chức 22 cuộc giám sát tại 18 địa phương
Thời gian qua, hoạt động giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất, nền nếp hơn thông qua việc tập trung lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc, được cấp ủy, chính quyền đồng tình, ủng hộ với các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khảo sát trực tiếp quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân (tháng 9/2019). Ảnh: Quốc Anh.
Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thấy, từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (từ tháng 10/2018 đến hết tháng 4/2019), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện 10 nội dung giám sát theo kế hoạch; tổ chức được tổng số 22 cuộc giám sát tại 18 địa phương gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thực hiện 6/10 nội dung giám sát theo kế hoạch, bao gồm: Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân; giám sát cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thí điểm giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn địa phương.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện 3/10 nội dung giám sát theo Kế hoạch, bao gồm: Giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; giám sát việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm; giám sát việc giải quyết vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện 1/10 nội dung giám sát theo kế hoạch, bao gồm: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 01/KH-MTTW-UB ngày 24/1/2019 về giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2019; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Một trong những giải pháp đặt ra trong gian tới là tiếp tục phát huy 4 hình thức giám sát, trong đó chú trọng giám sát đột xuất; giám sát cán bộ, đảng viên; theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát; Phát huy vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, người có kinh nghiệm, uy tín, tiêu biểu tham gia vào quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến của người dân…nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam; Tăng cường sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp nhằm tạo ra cơ chế giám sát đồng bộ, có hiệu quả.