Đạo đức cán bộ và thước đo lòng dân
Sau việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, “điểm nóng” Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) lại đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Vụ Thủ Thiêm chỉ là một ví dụ cho thước đo lòng dân được ông Nguyễn Xuân Đức (ngụ phường Cát Lái) tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 nói trước thềm kỳ họp HĐND TP HCM sẽ khai mạc vào ngày 11/7 rằng: “Người dân quận 2 kỳ vọng được tận hưởng những thành quả lớn sau khi khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch. Nhưng suốt 20 năm qua họ phải ly tán khắp nơi để mua nhà, bán nhà, ở trọ. Kết luận của Chính phủ chỉ nói đến cơ quan nào vi phạm, tổ chức nào làm sai, chứ chưa nhắc gì đến đời sống người dân. Đây là đại án của cả nước chứ không phải của riêng quận 2”. Còn cử tri Phạm Văn Thoi (phường Cát Lái) đề cập: “Vai trò giám sát của HĐND thành phố qua bao nhiêu nhiệm kỳ ở đâu? Sai phạm ở Thủ Thiêm đã diễn ra 20 năm nay, chưa khi nào thấy đại biểu HĐND có ý kiến về bất cập của dự án này tại nghị trường?”.
Một câu hỏi được đặt ra: Những sai phạm do đâu và vì đâu? Nguyên nhân chính được xác định trong những vụ việc trên là do con người- yếu tố chủ quan thay vì khách quan trong một “rừng” trách nhiệm. Điều đó càng đặt ra những vấn đề về đạo đức cán bộ, yếu tố được coi là then chốt của then chốt. Nhưng đằng sau sự tha hóa của cán bộ chính là vấn đề lòng tin của nhân dân ngày càng giảm sút đối với bộ máy công quyền, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc lấy ý kiến quần chúng, lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ được coi là một kênh tham khảo, đánh giá chứ không có ý nghĩa quyết định.
Thời gian qua trong nhiều hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, yếu tố đầu tiên được nhiều người nghĩ đến đó là yếu tố pháp luật. Họ cho rằng do chế tài xử lý chưa nghiêm, còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến việc “sẵn sàng vi phạm” để nộp phạt. Quan điểm trên có phần đúng nhưng chưa đủ bởi việc thực hiện tuân thủ pháp luật, thậm chí xây dựng luật cũng có yếu tố đạo đức con người, sâu xa chính là đạo đức của người cán bộ. Do đó yếu tố quyết định chính là việc đạo đức của người cán bộ. Ở nước ta, chỉ sau 2 tháng từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một Công thư vào ngày 14/11/1945 đề cập đến vấn đề: “Nhân tài và vận nước”. Và một năm sau đó, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục có một Công thư nữa đăng trên Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết) đề cập đến vấn đề tìm kiếm “hiền tài”, nghĩa là hội đủ hai yếu tố là tài và đức. Bác cũng nói: “Cán bộ lấy đức làm gốc”.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến “nhân tài và vận nước”, có thể những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý mắc sai phạm trong vụ Thủ Thiêm sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý song không gì có thể đánh đổi được số phận của hàng nghìn con người treo lơ lửng suốt 20 năm qua. Sự khó khăn, thấp thỏm sống trong chờ đợi cũng như phản ứng của người dân cũng là thước đo hiệu quả của một bộ máy công quyền.
Thế nhưng để đạo đức cán bộ được đề cao thì phải làm sao? Trước hết, nó nằm ở tiêu chuẩn lựa chọn, tuyển dụng, đề bạt cán bộ. Những tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ phải lấy đức làm gốc được cha ông đúc kết, hay lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có giá trị. Nhưng muốn lựa chọn cán bộ tài đức phải dựa trên các tiêu chí đánh giá cán bộ. Phải coi đây là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để bố trí sử dụng đào tạo quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, công chức cũng như để loại bỏ cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước. Nhưng chính vì việc lựa chọn tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ chưa sát thực tế nên vẫn để xảy ra tình trạng “lọt” những cán bộ thiếu phẩm chất vào bộ máy nhà nước. Thời gian qua, đã có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật phần nào cũng cho thấy bên cạnh việc cương quyết xử lý cán bộ sai phạm thì tỷ lệ lọt cũng chiếm một phần không nhỏ.
Trước khi nói đến yếu tố “đạo đức của người cán bộ”, có lẽ đã đến lúc cần phải tuyển dụng kết hợp với đánh giá mới có được đội ngũ cán bộ tận tụy phục vụ nhân dân, biết lo lắng, trăn trở với thời cuộc. Có như vậy mới loại bỏ được những “nhân tố” vô cảm, loại bỏ được tiêu cực, gửi gắm, chấm dứt tình trạng công chức tầm gửi, năng lực hạn chế trong bộ máy nhà nước chỉ biết vun vén cho gia đình, bản thân. Lúc đó thước đo của lòng dân mới là giá trị cốt lõi của đạo đức cán bộ.