Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) có hiệu lực: Nới cơ chế tự chủ đại học

Dung Hòa 03/07/2019 09:00

Bắt đầu từ tháng 7/2019 Luật Giáo dục Đại học (GDĐH - sửa đổi) chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới. Nhiều trường ĐH đang kỳ vọng sớm được “cởi trói” trong quá trình thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia: để thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH, cần có sự đồng bộ trong thực thi chính sách.

Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) có hiệu lực: Nới cơ chế tự chủ đại học

Các trường ĐH phải tự chủ trong tuyển sinh và chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra.

Giảm sự can thiệp của cơ quan chủ quản

Với chủ trương mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH, Luật GDĐH sửa đổi giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan nhà nước đến tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH. Điều đó có nghĩa là sẽ thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chỗ nhiều nội dung quản lý còn sử dụng phương thức hành chính trực tiếp, nay chuyển sang phương thức quản lý thông qua pháp luật, với hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng… để các trường được phát huy tính năng động, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển.

Trước đó, sau những lùm xùm xung quanh câu chuyện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, các chuyên gia đã bày tỏ quan điểm rõ ràng xung quanh cơ chế tự chủ ĐH hiện nay. GS.TS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Hiện có 2 quan niệm về tự chủ ĐH, đó là tự chủ là thuộc tính của trường ĐH và tự chủ ĐH phải có điều kiện. Phải quan niệm tự chủ ĐH là thuộc tính của trường ĐH. Khi cho phép trường hoạt động thì mặc nhiên nó đủ điều kiện để tự chủ. Còn TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng: Cần thiết phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động tự chủ của các trường để thực hiện đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) và Nghị quyết 19 của Trung ương về việc thu gọn đầu mối quản lý, tinh giản biên chế. Việc còn duy trì bộ chủ quản sẽ phải mất thêm một số vị trí công chức để quản lý các mặt của nhà trường như kế hoạch tài chính, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, công đoàn, thanh tra đào tạo...

Cùng với đó nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, Luật GDĐH sửa đổi có nhiều quy định nới rộng, cụ thể với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động học thuật, tài chính, nhân sự. Qua đó, thúc đẩy các trường có chính sách hoạt động hiệu quả trong nâng cao chất lượng phát triển, tăng cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.

Theo quy định của Luật, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng được làm rõ hơn. Trong đó, hội đồng trường có thực quyền hơn trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính…

Không còn phân biệt bằng ĐH chính quy hay tại chức

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) chia sẻ, những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn, nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ ĐH của Việt Nam.

Theo Luật GDĐH sửa đổi, hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của GDĐH bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Do đó Luật này quy định: Văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương; người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh, sự khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

Sớm đồng bộ hệ thống văn bản

Như vậy, khi Luật GDĐH sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tự chủ GDĐH đã được hoàn thiện hơn một bước. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện Luật này hiệu quả, cần rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan tổ chức, nhân sự, tài chính, đầu tư…

Ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích: Thực tế hoạt động tự chủ của các trường ĐH đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật GD, Luật GDĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… cùng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với luật này. Cùng với đó, cũng cần sớm gỡ nút thắt, đổi mới về tư duy quản lý của cơ quan chủ quản.

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần tiếp tục rà soát xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên… để tạo sự thống nhất trong hệ thống giáo dục trong nước, phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều này cũng nhằm đạt chuẩn đầu ra, đóng góp nhân lực trình độ cao đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Từ đó, góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới; khẳng định hiệu quả của quá trình tự chủ ĐH.

* Luật GDĐH sửa đổi cũng quy định cụ thể ở Điều 50 về trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm chất lượng GDĐH. Trong đó có yêu cầu về việc tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Dung Hòa