Ứng xử - việc bồi đắp mỗi ngày
Thỉnh thoảng, cư dân mạng lại có dịp xôn xao về một clip nào đó quay được cảnh cặp đôi “yêu phản cảm” ở nơi công cộng giữa thanh thiên bạch nhật…Những chuyện ấy, sau vài thập kỷ hội nhập, rõ ràng vẫn là hành vi không được chấp nhận ngay cả ở những nước có quan niệm cởi mở nhất về quyền cá nhân của con người. Ứng xử nơi công cộng đang được bồi đắp theo hướng tốt đẹp lên trong quá trình tiến tới văn minh cùng nhân loại. Nhưng vẫn còn quá nhiều điều phải bàn.
Ứng xử văn minh nơi công cộng là việc phải được vun đắp mỗi ngày.
Việc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa phải ký một công văn yêu cầu tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt hơn Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội là động thái sau khi liên tiếp có nhiều hành vi phản cảm diễn ra ở nơi công cộng. Đó là một số hành vi, mà trong công văn, Sở có gọi là “ứng xử chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội gây bức xúc trong dư luận, được báo chí phản ánh”. Có thể kể ra như: Tiểu bậy trong thang máy chung cư; cưỡng hôn trong thang máy; hành vi phản cảm của hành khách trên tuyến xe buýt số 1… Những ví dụ cho thấy có những hành vi khó tưởng tượng ra được mà nó vẫn đã diễn ra.
Người ta được làm gì và không được làm gì nơi công cộng? Đã có bao nhiêu người trong số chúng ta khi bước ra đường, đến rạp xem phim, vào quán café hay lên xe bus luôn thường trực những suy nghĩ ấy. Có lẽ muốn có được nếp ứng xử văn minh thì nền tảng giáo dục từ bé là vô cùng quan trọng. Chúng ta nói nhiều về sự văn minh trên đường phố, nơi công cộng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chúng ta vẫn khó thực hiện bởi vì nếp cư xử nơi công cộng trong một xã hội văn minh chưa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và việc tiếp nhận từ thế hệ đi sau chưa phải bằng sự nêu gương, làm mẫu của thế hệ đi trước. Ví dụ đơn giản nhất là những hành vi như vứt rác ra đường hay vượt đèn đỏ, nếu người lớn tuyệt đối không vi phạm thì tất yếu sẽ sinh ra một thế hệ trẻ không vứt rác ra đường hay vượt đèn đỏ. Những đứa trẻ được dạy trong nhà trường một kiểu, nhưng nhìn người lớn thực hành một kiểu khác sẽ rất nhanh để học theo…
Trở lại với những hành vi phản cảm nơi công cộng xuất hiện gần đây, câu hỏi đặt ra là: Điều gì khiến nó chưa được ngăn chặn? Có lẽ là cần phải xem lại cách chúng ta đã xử lý và thái độ của cộng đồng đối với những hành vi như vậy. Ví dụ như với những hành vi “phản cảm”, thường chúng ta sẽ làm ngơ trước việc này và việc thiếu nhắc nhở ngay lập tức sẽ khiến những chuyện như vậy sẽ lặp đi lặp lại. Hơn nữa có những hành vi ảnh hưởng đến cộng đồng cần xử phạt thì cũng hầu như chưa có ai bị xử phạt vì hành vi phản cảm nơi công cộng.
Vừa rồi, thái độ giận dữ của cộng đồng trước các hành vi cưỡng dâm hoặc lạm dụng trẻ em trong thang máy đang là cách ứng xử cần thiết để bày tỏ thái độ thích đáng với những hành động sai trái. Xử lý bằng pháp luật, xử phạt hành chính đã đành. Nhưng sự lên án của cộng đồng cũng chính là phiên tòa lương tâm khiến những việc xấu, việc ác sẽ phải ít đi.
Nói thêm về vấn đề giáo dục - nền tảng quan trọng nhất từ mỗi gia đình và từ nhà trường. Muốn đạt tới văn minh không phải chỉ cần đề ra vài bộ quy tắc ứng xử là đã có thể giải quyết được. Ví dụ bây giờ thử làm khảo sát xem có bao nhiêu người thuộc nội dung của bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cho nên chúng ta cần những bộ Quy tắc, nhưng hành vi chỉ trở thành nhuần nhuyễn, mặc nhiên coi trọng mình và coi trọng mọi người khi ngay từ rất sớm, mỗi người đều được truyền dạy những giá trị đạo đức cốt lõi, trước hết là giá trị tôn trọng, tự trọng. Cách ứng xử ở nơi công cộng, trường học, bệnh viện… không có gì nằm ngoài những nguyên tắc mang giá trị phổ quát, mà cốt lõi là không được làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Trên cơ sở đó, hình thành thống nhất cho trẻ từ nhà đến trường, hệ giá trị về ứng xử nhắc đi nhắc lại cho đến lúc lớn lên. Tự khắc khi thành người lớn, trẻ sẽ biết những hành vi đó là không được phép ở đâu và nên làm ở đâu.
Đôi khi không ít người cho rằng hành vi nào đó là như “thân mật” nơi công cộng là “giống Tây”. Thực ra, không nơi nào chấp nhận những việc cần làm ở nơi kín đáo lại phơi ra giữa chốn đông người. Quan niệm sống và hành vi sai lệch đạo đức hoặc hành động xấu là khác nhau. Thậm chí, càng ở các nước văn minh thì càng nghiêm khắc hơn khi xử phạt những người có hành vi sai nơi công cộng trong đó có cả việc quan hệ tình dục nơi công cộng, tùy vào mức độ.
Trong công văn của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội có đề cập chi tiết đến các kỹ năng xử lý trên xe bus, chung cư… cũng như việc tăng cường hơn hệ thống camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi không phù hợp với chuẩn mực văn hóa… Đúng là với thời buổi công nghệ 4.0 thì sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng với sự hỗ trợ của công nghệ đang là một giải pháp đáng lưu ý. Ở nhiều nước châu Á, họ đã tự hào rằng tội phạm không có cơ hội phạm tội khi mà hệ thống thiết bị giám sát đã có thể phát hiện ra từ mầm mống.
Tuy nhiên, văn hóa là việc phải được vun đắp mỗi ngày. Ứng xử văn minh nơi công cộng là việc phải được vun đắp lâu dài, để thấm vào từng hành vi, cử chỉ, nhất là với những đô thị lớn như Hà Nội, nơi mà chỉ cần tự hào là người Hà Nội cũng đủ khiến người ta biết rằng nên làm gì và không nên làm gì nơi công cộng.