Giảm 10-15% đại biểu HĐND tại các cấp: Sẽ giám sát thế nào?

H.Vũ 04/07/2019 07:30

Tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngoài đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 xuống còn 1, Chính phủ cũng đề xuất giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính khoảng từ 10%-15% mỗi đơn vị hành chính. Vậy vấn đề giám sát sẽ như thế nào?

Đưa ra quan điểm về việc giảm đại biểu HĐND tại các cấp, Chính phủ cho rằng để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và có tính đến sự phù hợp của từng loại hình đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã việc giảm số lượng đại biểu từng cấp, từng loại hình đơn vị hành chính nêu trên chủ yếu hướng tới việc giảm số lượng đại biểu HĐND công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Trước việc giảm 10-15% đại biểu HĐND tại các cấp, từ góc độ địa phương, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhiều đại biểu HĐND đi giám sát không dám nói, không dám bày tỏ quan điểm cho nên cần đặt chất lượng đại biểu HĐND lên hàng đầu. Theo ông, cần giảm số đại biểu HĐND ở các ngành thuộc UBND, mà tăng cường đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, và đại biểu HĐND ở các đoàn thể. Như vậy các đại biểu HĐND mới có tiếng nói với chính quyền, nếu đại biểu HĐND theo cơ cấu toàn giám đốc các sở, ngành, trưởng phòng thì làm sao dám chất vấn chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND và các ngành?

Từ đó ông Hòa cho rằng, đại biểu HĐND phải tăng cường chất lượng để hoạt động đi lên, phát huy công sức lao động của mình để thực hiện chức năng giám sát thì mới đạt yêu cầu và chất lượng cao. “Đi giám sát đoàn có hơn chục người nhưng chỉ có 1-2 người phát biểu bày tỏ quan điểm thì sao có chất lượng? Ở địa phương, chất vấn chỉ có đại biểu chuyên trách chất vấn, còn các đại biểu khác chỉ ngồi im, có khi cả nhiệm kỳ không phát biểu gì cả. Vậy hoạt động HĐND đâu có chất lượng?

Theo ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cần quy định rõ tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu vì đây là tỷ lệ để đảm bảo mỗi cơ quan HĐND cần có để tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Theo ông Lâm, khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách theo tỷ lệ thì lúc đấy mới có căn cứ để xác định số lượng phó chủ tịch, phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Ông Lâm nêu vấn đề: Câu chuyện biên chế không nằm ở việc có bao nhiêu phó chủ tịch, phó ban HĐND vì các chức danh này nằm trong tổng biên chế đại biểu HĐND chuyên trách. Vấn đề là bố trí chức danh cho bộ máy HĐND thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của từng nhóm địa phương khác nhau.

Từ thực tiễn địa phương ông Lâm cũng cho rằng, HĐND khi được bố trí các trưởng ban là chuyên trách thì hoạt động hiệu quả hơn. Và ở trung ương có lẽ cũng nên tổng kết xem những địa phương bố trí chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chuyên trách thì hiệu quả thế nào để cân nhắc, định hướng cho địa phương trong thời gian tới. Nếu khi bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách thì chỉ cần bố trí một cấp phó chuyên trách để hỗ trợ là đủ.

“Câu chuyện giảm một phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện không nên chỉ cứng nhắc quy định quản lý về biên chế chuyên trách HĐND mà phải tùy điều kiện, tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà yêu cầu bố trí từ 1 đến 2 phó chủ tịch cho phù hợp. Ở đây, số lượng cấp phó sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp”-ông Lâm nêu vấn đề.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, tinh giản biên chế phải làm sao gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dù tăng hay không tăng biên chế thì quan trọng nhất vẫn là tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Do vậy việc tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban của HĐND cần phải cân nhắc rất kỹ.

H.Vũ