CPTPP: Thách thức đối với ngành nông sản
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn, do đó, CPTPP đặt ra không ít thách thức đối với ngành nông sản - một ngành vẫn còn nhiều manh mún, chất lượng sản xuất còn yếu kém. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” mới được tổ chức tại Hà Nội.
CPTPP gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như cà phê, gạo, thủy sản, đồ gỗ… Các hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp. CPTPP là một FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay. CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Chính bởi vậy, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, các hiệp định không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, không phụ thuộc vào vị trí chính trị của các nước tham gia mà phụ thuộc chính năng lực cạnh tranh của hàng nông sản. Điều đó có nghĩa là phụ thuộc chính vào khả năng sản xuất của chúng ta. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn phải gắn với quy mô và hình thức sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của hàng rào kỹ thuật.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nêu quan điểm: Việc CPTPP đi vào hiệu lực sẽ tiếp tục tác động sâu sắc hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, đến nông dân bởi đây là FTA lớn thứ 3 trên thế giới. CPTPP được ghi nhận là hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, nên Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất và chắc chắn người dân Việt Nam, trong đó có người nông dân, sẽ được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp, hàng hóa đạt chuẩn quốc tế. “Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ” – ông Sùng nói.
Ông Sùng cho rằng, từ đây, Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam cùng với người nông dân Việt Nam sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp. Có sự liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối để phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ. “Chỉ có như thế, nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn” – ông Sùng nhấn mạnh.