Công bố 7 Luật mới vừa được Quốc hội thông qua
Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua.
Quang cảnh buổi Họp báo công bố 7 Luật mới tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Tại buổi Họp báo, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước đã đọc công bố Lệnh của Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về 7 Luật mới được thông qua gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thi hành án Hình sự, Luật Giáo dục, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý thuế, Luật Kiến trúc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong đó, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: nghiêm cấm xúi dục, kích động, lôi kéo, ép người khác uống rượu, bia. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập. Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…
“Về biện pháp phòng, ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông” Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Trình bày những điểm mới của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, Luật có 207 điều, được quy định thành 16 chương và có nhiều nội dung mới so với Luật Thi hành án Hình sự năm 2010.
Trong đó, những nội dung mới quy định về thi hành án tử hình, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình (điều 78) theo hướng quy định cụ thể hơn về thời gian, mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thành lập hội đồng thi hành án tử hình. Bổ sung điều 80 về hồ sơ thi hành án tử hình. Ngoài việc nhận tử thi, hài cốt, Luật bổ sung quy định về nhận tro cốt của người bị kết án tử hình (Điều 83).
Về bổ sung quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện, trên cơ sở quy định tại điều 66 Bộ Luật hình sự năm 2015, Luật đã bổ sung Mục 3 chương III quy định nội dung tha tù trước thời hạn có điều kiện: có 16 điều, từ điều 57 đến điều 72 quy định về: thời điểm, hồ sơ quản lý, cơ quan quản lý, nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nghĩa vụ, việc lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách. Thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú. Trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Để phù hợp với quy định mới của Bộ Luật hình sự năm 2015, Luật bổ sung quy định chương XI. Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại bao gồm 9 điều, (từ điều 158 đến điều 166) quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ khi thi hành án. Quyết định, thủ tục, hồ sơ thi hành án. Quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án. Cưỡng chế thi hành án. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại. Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại…
Luật Giáo dục năm 2019 gồm 9 chương, 115 điều, thay thế Luật giáo dục năm 205 và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thực hoạt động không vì lợi nhuận. Luật cũng quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
“Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời gian hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Đồng thời, Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định về học phí đối với học sinh diện phổ cập. Luật quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước.
“Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở” Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.