Hoàn lưu bão số 2: Nguy cơ lũ quét, sạt lở
Sáng 4/7, bão số 2 đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Hiện vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ảnh hưởng của bão số 2 và hoàn lưu của nó đã và đang gây mưa lớn, lũ, lũ lớn cục bộ, nhất là với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hoàn lưu bão dễ gây sạt lở đối với miền núi.
Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2 nên ngày 4/7 ở Cát Hải và Hòn Dấu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; ở ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Ninh Bình có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to.
Tại Nghệ An, đêm ngày 3 và rạng sáng ngày 4/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có mưa to. Ảnh hưởng của mưa lớn cộng với lượng nước từ các hệ thống kênh mương ở thị xã Hoàng Mai dồn về đã làm vỡ tuyến kênh tưới Nam Vực Mấu tại địa bàn xóm 16, xã Quỳnh Văn. Toàn bộ nước từ lòng kênh tràn vào cánh đồng, gây ngập úng hàng chục ha diện tích lúa và rau màu. Ngoài ra, tại các xã vùng bãi ngang Quỳnh Lưu, do ảnh hưởng của bão số 2, hơn 120 ha diện tích rau màu bị ngập sâu, trong đó xã Quỳnh Bảng có khoảng 70 ha, xã Quỳnh Minh 40 ha, toàn huyện có khoảng 30 – 40 ha lúa cũng ngập sâu trong nước.
Tại tỉnh Yên Bái có mưa to đến rất to và dông. Mưa to và dông lốc đã gây ra thiệt hại cho nhiều nhà cửa và một số công trình. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến cuối ngày 4/7, mưa lũ đã làm 37 nhà dân, 2 nhà văn hóa thôn và một xưởng gỗ…ước tính thiệt hại 5,6 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết: Từ đêm 3/7 đến nay, bão số 2 chỉ gây gió to cấp 8 - 9 ở các vùng ven biển kèm theo mưa nặng hạt ở một số thời điểm. Các vị trí đê kè xung yếu ở huyện Nghĩa Hưng đều được an toàn. Trước khi bão đổ bộ các vị trí này đều được địa phương có phương án bảo vệ. Tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, thời điểm mưa gió lớn nhất cũng chỉ làm sóng biển tràn nhẹ qua kè đê biển, gây ngập nhẹ cho các ki-ốt nằm dọc hai bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long. Trong sáng ngày 4/7, nhiều người dân vẫn xuống tắm tại các bãi biển trên. Mưa không quá lớn nên các hộ nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh không bị thiệt hại.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, tính đến 9h sáng ngày 4/7 toàn bộ 1.279 tàu thuyền của tỉnh, trong đó 95 tàu thuyền (467 ngư dân) đang hoạt động ở ngoài vùng biển của tỉnh, đều an toàn, không gặp sự cố lớn. Trong khi đó, lãnh đạo huyện ven biển Tiền Hải cho biết đến 9h sáng 4/7 ở cảng Cái Lân và các xã ven biển của huyện gió đã giảm mạnh, trời ngớt mưa, gần 1.000 hộ nuôi ngao của huyện được bình an. Tại huyện Thái Thụy, lãnh đạo huyện cho biết bão chỉ ảnh hưởng tới huyện, không đổ bộ trực tiếp nên toàn huyện được an toàn...
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Ảnh hưởng của bão số 2 và hoàn lưu của nó đã và đang gây mưa lớn, lũ, lũ lớn cục bộ. Trong ngày 4/7, ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa rất to. Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) biên độ lũ lên từ 2-5m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An. Đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 1.