Cụ thể hóa quy định chống tham nhũng

Hoàng Mai 05/07/2019 08:00

Ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Theo như quy định tại nội dung Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đáng lưu ý trong Nghị định (sẽ có hiệu lực từ 15/8) nhấn mạnh: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Nghị định cũng nêu rõ, nếu không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quản lý, xử lý quà tặng theo quy định. Khi nhận được quà tặng không đúng quy định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Đối với người có chức vụ, quyền hạn, trường hợp không từ chối được quà tặng thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp; đồng thời phải nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận quà tặng. Báo cáo việc nhận quà tặng của người có chức vụ, quyền hạn phải thể hiện bằng văn bản, có đầy đủ các nội dung họ tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ người tặng quà, loại quà tặng, giá trị quà tặng, thời gian, địa điểm, bối cảnh nhận quà, mối quan hệ với người tặng quà…

Đây là những quy định rất chi tiết, đặc biệt là đối với cán bộ công chức có vị trí và là “mắt xích” quan trọng trong quá trình xử lý việc công. Nhiều vụ việc nhũng nhiễu, đòi hỏi quà tặng bị phanh phui gần đây cho thấy quy định trả lại quà tặng thật sự là một trong những biện pháp PCTN - một công tác đã được đẩy mạnh, đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trong lần thảo luận về công tác tư pháp, PCTN tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đánh giá, dù công tác PCTN thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể, song chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Đại biểu này còn lưu ý, tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức…

Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà. Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân.

Giờ đây, Chính phủ đã có Nghị định chi tiết quy định việc xử lý quà tặng nhằm “bôi trơn” cho thấy nỗ lực chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên, làm sao để có thể giám sát việc nộp lại quà tặng thì có lẽ không ít người băn khoăn. Chúng ta đề cao trách nhiệm của công dân, của nhân dân trong việc tham gia PCTN, vì thế lúc này càng cần hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là với cuộc đấu tranh PCTN. Mặt trận là tổ chức đại diện quyền và lợi ích của nhân dân, nên giao cho Mặt trận và các tổ chức thành viên, là nơi tổ chức cho nhân dân và động viên nhân dân tham gia vào công tác này là rất hợp lý. Nhân dân, đặc biệt là người dân tại nơi cư trú hay nơi công tác, mới là người hiểu rõ cán bộ liêm chính hay không liêm chính. Vì thế, cần có cơ chế mạnh mẽ để Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia giám sát; như vậy, công tác tham gia PCTN sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Hoàng Mai