Thực hư nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga
Giới truyền thông phương Tây những ngày gần đây gieo rắc sự sợ hãi về sáng kiến hạt nhân độc đáo của nước Nga - một nhà máy điện hạt nhân nổi được thiết kế để cung cấp điện cho vùng Bắc Cực. Thực hư nhà máy điện này ra sao?
Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga. (Nguồn: RT).
Nhiều hãng truyền thông phương Tây đã gọi nhà máy nổi này là “Chernobyl nổi” - nhưng liệu có cường điệu quá hay không? Trên thực tế, nhà máy này được xây dựng dựa trên công nghệ đã có từ lâu và các mối quan ngại về thảm họa hạt nhân liên quan tới nó là điều có thể hiểu được.
Nhà máy điện Akademik Lomonosov được cấp giấy phép hoạt động 10 năm hồi tháng 6 vừa qua và sẽ được điều tới địa điểm cuối cùng của nó là khu cảng nhỏ Pevek thuộc vùng Chukotka, ở Bắc Cực. Tại đây, bắt đầu từ cuối năm nay, nó sẽ bắt đầu cung cấp nhiệt và điện năng cho khách hàng trong vùng.
Nhưng đối với các hãng truyền thông phương Tây, sự kiện trên là một câu chuyện hút khách không thể bỏ lỡ. Nhiều hãng truyền thông đăng tải các tít dẫn cảnh báo rằng “Nga sắp chuyển “Chernobyl nổi”“ qua Vòng Bắc Cực hay “Trạm năng lượng hạt nhân nổi duy nhất của thế giới có tên “Chernobyl trên băng” mà Nga chế tạo”.
Trên thực tế, so sánh như vậy là khập khễnh bởi có rất ít điểm chung giữa nhà máy điện hạt nhân mà mini seri của HBO mô tả với “Nhà máy Nhiệt điện hạt nhân nổi (PATES)”, như tên chính thức của nhà máy mới của Nga. Điểm quan trọng nhất là nó được thiết kế nhằm ngăn chặn trước một thảm họa tương tự ở Chernobyl.
Nhà máy điện hạt nhân kiểu mới
Lò phản ứng hạt nhân của nhà máy trên gồm nhiều lớp bảo vệ lồng ghép vào nhau, thanh năng lượng được bọc trong phần lõi kín để ngăn chặn uranium rò rỉ, ngoài ra còn có nhiều bức tường kín bao bọc xung quanh các phòng có chứa hạt nhân. Bên trong các căn phòng này đều có áp suất cực lớn để ngăn chặn bất cứ thứ gì rò rỉ ra ngoài.
Toàn bộ nhà máy nổi này được đặt trên một con tàu, có thể được triển khai tới bất cứ đâu, và kết nối được với nhiều cơ sở hạ tầng trên đất liền, giữ vị trí trong suốt nhiều thập kỷ, việc duy tu, bảo dưỡng cũng được thực hiện một cách dễ dàng.
Các lò phản ứng KLT-40S của nhà máy được thiết kế phòng trước trường hợp tất cả nhân viên trong nhà máy bị bất tỉnh và nguồn năng lượng vận hành bị cắt, khi đó nhà máy sẽ tự ngừng hoạt động nếu cần thiết. Nhiều biện pháp an toàn khác cũng được áp dụng, như các thanh lò xo hấp thụ neutron giúp duy trì hoạt động phần lõi trong trường hợp mất điện.
Phần thân con tàu cũng được thiết kế đặc biệt, đủ sức chống chịu đủ kiểu va chạm có thể gây ảnh hưởng tới các lò phản ứng, hay các vụ va chạm với tàu khác, với đá thậm chí là cả một chiếc máy bay rơi. Các kỹ sư cho hay nhà máy nổi cũng có thể chịu được nhiều cơn bão lớn với sức gió lên tới 80 m/giây.
Công suất của PATES
Điểm khác biệt quan trọng giữa một nhà máy điện trên mặt đất và nhà máy điện đặt trên tàu chính là công suất. Mỗi lò phản ứng của nhà máy điện Chernobyl trước đây sản xuất 1.000 MW điện năng mỗi lò, trong khi 2 lò phản ứng KLT-40S của nhà máy Akademik Lomonosov chỉ có tổng công suất 70 MW. Đó chính là hạn chế của nhà máy nổi này.
Một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ được cho là hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống đẩy cơ học thông thường của một con tàu. Nếu muốn sở hữu một chiếc tàu ngầm có khả năng ẩn náu khỏi kẻ địch suốt nhiều tuần, nhiều tháng liền, cần phải lắp đặt lò phản ứng hạt nhân cho nó. Để một con tàu có đủ nguồn năng lượng để vận hành cẩu trục phá băng, người ta cũng thường lựa chọn năng lượng hạt nhân thay vì sử dụng động cơ diesel thông thường. Trên thực tế, lò phản ứng KLT-40S ban đầu được sử dụng trên các tàu phá băng hạt nhân của Nga.
Nhà máy điện hạt nhân nổi cũng phải cạnh tranh được với các mẫu nhà máy điện khác, khi xét về giá thành. Người ta không thể chi hàng triệu USD cùng nhiều năm liền để xây dựng một cơ sở cỡ lớn và sau đó mất thêm nhiều năm nữa để thu hồi đủ vốn. Các PATES cỡ nhỏ thì ngược lại - chúng được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn và sản sinh ra nguồn điện năng đắt giá, dễ thu hồi vốn.