Cháy rừng, chuyện không của riêng ai
Đợt nắng như đổ lửa vừa qua đã thiêu đốt hàng trăm hécta rừng ở vùng Nghệ Tĩnh, “giặc” lửa cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường đi. Để cứu rừng, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải huy động tới cả nghìn người cùng các loại phương tiện xông vào cản lửa, có người đã phải bỏ mạng rất đáng tiếc.
Chỉ tới khi trời đổ mưa, tình trạng cháy rừng mới chấm dứt, lúc này mới nhận ra, giá như không có sự bất cẩn của con người, giá như công tác chữa cháy rừng được chú trọng...
Từ 20/5 đến 30/6 trên địa bàn Nghệ An xảy ra 11 vụ cháy rừng.
Những hành động đẹp
Tính đến ngày 2/7 tình trạng cháy rừng tại Nghệ An đã chấm dứt hẳn nhờ có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tuy nhiên, những thiệt hại do cháy rừng để lại khá nặng nề. Con số thống kê cho thấy: Từ 20/5 đến 30/6 trên địa bàn Nghệ An xảy ra 11 vụ cháy với tổng diện tích 54,33 ha; gây thiệt hại 25,63 ha đất có rừng. Lực lượng chức năng đã phải huy động gần 5.000 lượt người đi dập lửa và có một người chết trong khi tham gia công tác phục vụ chữa cháy rừng. Nhìn vào con số ấy càng thấy sự khủng khiếp của “giặc lửa”. Chứng kiến lực lượng chữa cháy rừng miệt mài dập lửa dưới cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhưng không còn cách nào khác, những người lính, chiến sĩ công an, các đoàn viên thanh niên phải nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Lực lượng chức năng phải “ăn nằm” bên đám cháy, căng mắt đề ra những phương án cứu rừng một cách hiệu quả nhất. Có chứng kiến mới thấy hết sự gian khổ của họ, lớp này xuống nghỉ, lớp khác lại lên thay hòng cô lập cơn “bão lửa”.
Để phục vụ việc chữa cháy, tại TP Vinh có một người đã nấu hàng nghìn suất ăn miễn phí vận chuyển đến tận nơi phục vụ lực lượng chữa cháy rừng. Đó là ông Lê Văn Hồng -Trung tâm tổ chức sự kiện nhà hàng Minh Hồng ở TP Vinh. Trong đợt cháy rừng liên miên vừa qua, nhất là vụ cháy rừng thông tại huyện Nghi Xuân, chính ông đã bàn với vợ làm hàng nghìn suất cơm tiếp tế cho lực lượng đang ngày đêm vật lộn với giặc lửa. Ông Hồng kể: “Lúc đó tôi nghĩ, mình nằm phòng lạnh mát mẻ thế này, trong khi các chiến sĩ công an, bộ đội và người dân đang lao vào dập lửa. Không trực tiếp đến cứu rừng được, nhưng mình phải làm việc gì đó, không thể nằm trong phòng lạnh nữa”. Và rồi, ông Hồng quyết định đóng cửa nhà hàng, gọi vợ dậy và huy động nhân viên, đầu bếp đi chợ nấu cơm tiếp sức cho các chiến sĩ dập lửa.
Buổi chiều đầu tiên (29/6), vợ chồng ông Hồng và 30 nhân viên đã chuẩn bị xong 500 suất cơm, mỗi suất kèm 1 lon nước ngọt, 1 chai nước khoáng, đưa đến nơi lực lượng chức năng đang dập lửa cứu rừng. “Chuyển những suất cơm sang tận chân núi cho anh em chữa cháy rừng, ai cũng khen ngon, tôi vui lắm, nhìn họ mồ hôi nhễ nhại, bụi tro lem luốc càng làm tôi thấy mình nhỏ bé. Vậy là chiều hôm sau, tôi tiếp tục làm 500 suất cơm, nước miễn phí đem trao tận tay các chiến sĩ đang cứu rừng”- ông Hồng kể. Đúng lúc vợ chồng ông đang phát cơm cho anh em vào chiều 30/6 thì Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến động viên, biểu dương và tặng quà khiến vợ chồng ông Hồng vô cùng vui mừng.
Trong câu chuyện này, ít ai biết rằng, có được như ngày hôm nay, ông Hồng từng trải qua cuộc sống cơ cực, từng là một người đạp xích lô ở chợ Vinh kiếm gạo nuôi vợ con. Ông Hồng tâm sự: “Ngày xưa, vợ chồng tôi cũng nghèo, vợ buôn chợ, ông đạp xích lô nuôi đàn con nhỏ. Tôi nghĩ, nếu bạn đã từng trải qua những ngày khốn khó nhất của cuộc đời thì bạn sẽ không bao giờ quên và luôn nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ”. Bên cạnh việc nấu, phát cơm miễn phí, ông Hồng còn hỗ trợ 25 triệu đồng giúp huyện Nam Đàn và xã Nam Kim khắc phục hậu quả các vụ cháy rừng và trao 5 triệu đồng cho thân nhân trường hợp thiệt mạng trong khi tiếp sức cho lực lưỡng chữa cháy ở xã Nam Kim.
Không những thế, cứ mỗi thứ 7 hàng tuần, vợ chồng ông Hồng còn nấu và phát khoảng 1.000 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Cách đây 4 năm, ông Hồng đứng ra tổ chức đêm nhạc thiện nguyện quyên góp được hơn 900 triệu đồng, sau đó, ông lập 45 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng và trao tận tay cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, một số người khác lại cặm cụi leo đồi nhiều km để tiếp tế nước uống cho chiến sĩ diệt lửa. Và rồi, có chuyện đau lòng đã xảy ra. Người phụ nữ trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn tên Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1964) trong lúc chữa cháy rừng, không may thiệt mạng, toàn thân bị cháy xém. Tin tức ấy mau chóng lan truyền, ai cũng thương cảm, khâm phục tinh thần, sự nhiệt huyết của bà. Được biết, vào khoảng 8h sáng ngày 30/6 tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Nam Kim, huyện Nam Đàn và xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuất hiện đám cháy. Biết tin, bà Hoa không ngần ngại, cùng với người dân sống gần đó tham gia dập lửa. Với lợi thế nhà cách hiện trường đám cháy hơn 2 km, một mặt bà Hoa hô hào thêm người trợ giúp, mặt khác bà dùng những can nhựa đựng nước mang lên đồi tiếp ứng cho lực lượng dập lửa. Trong lúc tiếp tế nước, đúng lúc gió phơn thổi mạnh, bốc ngọn lửa từ nơi khác đến trùm lấy toàn bộ khu vực bà đang đứng, khiến bà không kịp thoát thân. Sự ra đi của bà để lại niềm xót thương nhưng cũng rất đỗi tự hào về một con người quả cảm, sẵn sàng xả thân vì rừng xanh. Nói như ông Trịnh Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Nam Kim - sự ra đi của bà Hoa là mất mát không chỉ của gia đình, người thân mà còn là sự ra đi của một tấm gương giữ rừng ở vùng đất nghèo khó này.
Cần chủ động trong việc chữa cháy
Tại Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 do Đảng ủy Quân sự tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng ngày 2/7, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nói: “Chữa cháy rừng chẳng khác gì đánh trận”. Tại đây khi nhắc lại vụ cháy rừng ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn xảy ra ngày 30/6 cũng như các vụ cháy rừng liên tiếp ở những địa phương khác, ông Vinh chia sẻ: “Tôi đánh giá cao, ghi nhận tinh thần, trách nhiệm của các chiến sĩ, nhưng trong việc này phải có phương án chỉ huy, phương án tác chiến. Cần phải có bản đồ khu vực để lên phương án chữa cháy, khống chế lửa. Tại sao chúng ta lại không lập sở chỉ huy để chữa cháy?”.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: Các đơn vị, địa phương cần phải sớm thành lập các phương án chữa cháy rừng, trong đó phân công cụ thể người dân làm nhiệm vụ gì; người có kinh nghiệm, người của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ gì để hạn chế rủi ro, thiệt hại? Ông Vinh quán triệt: “Không chỉ trong công tác chữa cháy, việc sơ tán người dân cũng phải theo quy định. Như hôm cháy rừng ở xã Nam Kim, lửa đã lan đến sát nhà nhưng dân không chịu sơ tán, kiểm lâm phải vào vận động. Trong trường hợp này, theo quy định, người dân không còn quyền quyết định sơ tán hay không nữa. Không cần phải vận động, mà phải đưa công an vào cưỡng chế sơ tán người. Còn về tài sản, lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm di dời”.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Đại tá Trần Văn Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An thừa nhận: “Đơn vị cũng thường xuyên tập huấn về phòng, chống cháy rừng, nhưng khi xảy ra thực tế thì lại học không đi đôi với hành”. Qua câu chuyện này cho thấy, trong lúc khó khăn cần có sự vào cuộc của không chỉ lực lượng chức năng mà cần nhiều hơn tinh thần sẵn sàng đóng góp công sức, vật chất của người dân vào nhiệm vụ chung của xã hội. Ngoài ra, mỗi khi rơi vào tình huống nan nguy như lũ lụt, mưa bão, cháy rừng... người dân sinh sống trong vùng nguy hiểm hãy biết cách tự bảo vệ tính mạng của mình, đừng để “nước đến chân mới chạy”, e khó kịp.