Quảng Nam: Ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn kiên cường vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu cá QNa 91216 TS vừa cập cảng Kỳ Hà bán cá cho thương lái.
Sáng 7/7, tại cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi ghi nhận nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ đều vươn khơi, chỉ có vài tàu trở về sau chuyến biển dài ngày với đầy khoang cá, mực;…
Ngư dân Trần Hùng, (trú xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa 91216 TS, công suất hơn 700CV) vừa trở về sau chuyến đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa sau hơn 20 ngày. Vừa cập bờ, hơn 3 tấn cá nục gai được các thuyền viên vận chuyển từ khoang tàu đưa cá lên bờ bán cho thương lái đã tạo nên một bầu không khí sôi động, nhộn dịp.
Theo ngư dân Hùng, thời gian gần đây, khi nghe thông tin Trung Quốc tự ý ban hành lệnh cấm tàu cá không được đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, nhiều ngư dân tỉnh Quảng Nam không quan tâm về lệnh cấm này và quyết tâm bám biển.
Nhiều sọt cá nục gai được vận chuyển lên bờ bán cho thương lái.
“Tôi và nhiều ngư dân hoạt động đánh bắt hải trong phạm vi lãnh hải của vùng biển của Việt Nam nên không ai có thể ngăn cấm chúng tôi được. Đồng thời, tàu tôi và các tàu ngư dân khác thường hoạt động đánh bắt theo tổ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoàn nạn trên biển nên mọi người cũng yên tâm, vươn khơi bám biển”, ngư dân Hùng nói.
Còn ngư dân Trần Nhân (49 tuổi, trú xã Tam Quang, chủ tàu cá QNa 90216 TS, công suất 700CV) nói, vài năm qua, thời tiết trên biển thay đổi thất thường, khiến biển động mạnh, sóng lớn. Việc này ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản và nguồn hải sản trên biển dần cạn kiệt. Muốn đánh bắt được nhiều cá, mực ngư dân phải vươn khơi dài ngày hơn dẫn đến tốn nhiều nhiên liệu và phát sinh thêm chi phí trả tiền các bạn thuyền. Trong khi đó, giá hải sản thường bị thương lái ép, lên xuống bất thường. Ngoài ra, tôi và các tàu thuyền khác phải đối mặt các “tàu lạ” xua đuổi, truy đuổi không cho đánh bắt hải sản.
“Tuy có nhiều hiểm nguy với nghề đi biển nhưng tôi và các ngư dân khác vẫn tiếp nối truyền thống của ông cha, vươn khơi bám biển, bất chấp khó khăn để mưu sinh, tạo công ăn việc làm cho những bạn thuyền. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc”, ngư dân Nhân chia sẻ.
Thuyền viên trên tàu cá QNa 91216 TS đang đưa cá từ khoang tàu lên bờ.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, toàn huyện Núi Thành có hơn 350 tàu thuyền trên 90CV đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, (trong đó tàu cầu mực là 61 chiếc), dự kiến sản lượng đánh bắt hải sản trong năm 2019 là 43 nghìn tấn.
“Nhiều tàu câu mực của địa phương đang gặp khó khăn trong việc bán hải sản. Hiện nay, còn gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân bị ứ đọng không bán được, do không có nguồn đầu ra ổn định, chính quyền địa phương đã làm văn bản báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam về sự việc này nhằm có chính sách hay kêu doanh nghiệp mua chế biến tiêu thụ giúp ngư dân để cho họ có chi phí tiếp tục vươn khơi bám biển. Ngoài ra, chính quyền huyện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngư dân không được vi phạm vùng biển nước khác để đánh bắt hải sản”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 4.270 tàu cá, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên hơn là 680 chiếc, với tổng cộng khoảng 17.000 lao động trên biển.
Các tàu thuyền ngư dân huyện Núi Thành rẽ sóng vươn khơi bám biển.