Ngôi làng sống nhờ... rác thải
Nhiều năm qua, ngôi làng Bangun tại đảo Đông Java, Indonesia, ngập trong núi rác thải từ những đồ gia dụng cũ hỏng, bao bì thực phẩm, vỏ lon cho tới các thiết bị sinh hoạt cá nhân.
Bỏ mặc mối lo về sức khỏe, người làng Bangun chào đón rác thải bởi chúng mang lại tiền. Nguồn: cnn.
Nghề phân loại rác thải
Đối với thế giới bên ngoài, đây có thể coi là thảm cảnh ô nhiễm, thế nhưng đối với phần lớn người dân sinh sống tại Bangun, núi rác thải này chính là thứ mà họ chào đón bởi chúng giúp họ trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Bất chấp ảnh hưởng tới cảnh quan đường phố cũng như tác động tiêu cực tới sức khỏe, người dân ở Bangun rất thích ngồi giữa đống rác thải chất chồng trước cửa nhà và làm công việc mang lại thu nhập chính: Phân loại rác thải nhựa. Nhiều gia đình thậm chí bán hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng những mảnh đất để làm nơi chứa rác thải nhựa.
“Tôi từng là nông dân, nhưng nay tôi quyết định chuyển sang phân loại rác. Làm việc này kiếm được kha khá tiền” - ông Supriadi, người đàn ông 42 tuổi có nhà tại Bangun, cho biết.
Cũng như nhiều gia đình tại Bangun, ông Supriadi trả tiền để xe tải chở những lô rác mới tới khu đất nhà mình mỗi tuần. Từ đống rác tưởng như vô giá trị, người đàn ông này có thể thu lại gấp đôi số tiền bỏ ra sau khi phân loại những vật dụng giá trị cao như vỏ kim loại và dây cáp. Những thứ khác có thể được bán cho nhà máy đậu phụ địa phương, nơi sử dụng rác thải nhựa để đốt làm nhiên liệu.
“Tôi không biết tất cả những thứ rác này từ đâu đến. Tất cả những gì tôi quan tâm là chúng giúp tôi kiếm ra tiền” - Mbah Bodo, hàng xóm của Supriadi, nói.
Ông Bodo cho biết thêm, phân loại rác kiếm tiền đã mang lại nguồn thu nhập chính cho làng Bangun từ hàng chục năm nay và khiến nhiều người từ bỏ nghề làm nông truyền thống.
Gần làng Bangun, 4 nhà máy giấy được xây dựng và phun khói thải dày đặc vào không khí. Những nhà máy như thế này có mặt trên khắp các làng quê của Indonesia. Chúng là những nơi nhập khẩu, tiêu thụ chính rác thải và từ đây sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp như bao bì, chip điện tử và các linh kiện khác máy tính.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo thống kê của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến của rác thải nhựa từ các nước phát triển. 2 năm qua, rác thải nhựa được đưa tới Đông Nam Á tăng 171%. Tất cả hoạt động nhập khẩu vào các nước Đông Nam Á đều được tiến hành trái phép, dưới danh nghĩa nhập khẩu các hàng hóa khác.
“Indonesia đang trong tình trạng báo động khẩn cấp vì rác thải nhựa. Chúng tôi hiện đã quá tải về khả năng xử lý, không còn chỗ để nhận thêm rác từ nước ngoài” - ông Muharram Atha Rasyadi, một thành viên điều hành của Greenpeace Indonesia, cho biết.
Tại những ngôi làng ngập rác ở miền quê của Indonesia, tình trạng ô nhiễm nặng do rác thải đã làm dấy lên những lo ngại, bất chấp những khoản thu nhập mà chúng mang lại. Rác thải đã ảnh hưởng tới môi trường về mọi mặt, từ nước, đất, không khí cho tới đồ ăn, cuối cùng tác động tới sức khỏe con người.
“Rất đáng sợ vì chúng tôi sử dụng nước ở hạ nguồn (sông Brantas) để uống. 80% cá của sông này bị nhiễm hạt vi nhựa” - ông Prigi Arisandi, quản lý một doanh nghiệp, cho biết.
Việc các nhà máy đốt rác thải nhựa làm nhiên liệu khiến không khí có nguy cơ bị ô nhiễm dioxin. Trong khi đó, những bãi rác thải khổng lồ làm ô nhiễm nguồn đất và nước ngầm do mưa làm chất độc ngấm dần vào lòng đất. “Các sinh vật hấp thụ thuốc trừ sâu, kim loại nặng và chất hóa học, chúng sẽ đi vào cơ thể con người qua đường đồ ăn và nước uống” - ông Prigi cảnh báo.
Nhà chức trách địa phương cho biết tình hình càng đáng báo động khi người dân địa phương không mấy quan tâm về những vấn đề sức khỏe mà họ đang đối mặt. “Họ chào đón rác thải bởi chúng mang lại tiền. Chúng không thành vấn đề, dù đang tàn phá sức khỏe của mọi người. Một số người thậm chí kiếm đủ tiền để xây biệt thự và cho con đi học để lấy bằng tiến sĩ” - Zainul Arifin, Giám đốc Cơ quan môi trường Mojokerto, cho biết.